Page 37 - Sự hình thành bệnh tật và sự phục hồi
P. 37
atropin với mục đích chống co thắt cơ trơn (giảm đau trong các cơn đau do co
thắt cơ trơn đường tiêu hóa, tiết niệu.) nhưng tác dụng đó lại là tác dụng chính
khi nhỏ mắt để soi đáy mắt. Quinin có tác dụng chính điều trị bệnh sốt rét; tác
dụng phụ gây ù tai, hoa mắt, giảm thính lực tạm thời, salbutamol có tác dụng
chính làm giãn phế quản song còn tác dụng phụ gây run cơ, mất ngủ, bồn
chồn, Indomethacin có tác dụng chính để chữa thấp khớp nhưng gây tác dụng
phụ tổn thương niêm mạc, dạ dày...
Trong điều trị người ta thường tìm các biện pháp để hạn chế những tác
dụng phụ của thuốc bằng cách chọn đường dùng thuốc thích hợp, thời điểm
uống thuốc, dạng bào chế và có thể kết hợp với thuốc khác một cách hợp lý.
Ví dụ để hạn chế tai biến đường tiêu hóa do sử dụng kéo dài các thuốc chống
viêm người ta thường dùng kèm với các thuốc ức chế sản xuất acid dịch vị
(omeprazol).
3.2.2. Tác dụng chọn lọc và tác dụng đặc hiệu
Tác dụng chọn lọc là tác dụng của thuốc ở liều điều trị biểu hiện rõ rệt
nhất trên một cơ quan nào đó trong cơ thể. Ví dụ: codein có tác dụng chọn lọc
trên trung tâm ho, morphin có tác dụng chọn lọc trên trung tâm đau.
Tác dụng đặc hiệu là tác dụng của thuốc mạnh nhất đối với một tác
nhân gây bệnh. Ví dụ: quinin có tác dụng đặc hiệu với ký sinh trùng sốt rét,
INH đặc hiệu với trực khuẩn lao…
3.2.3. Tác dụng trực tiếp và gián tiếp
Dựa trên cơ chế tác dụng của thuốc, thuật ngữ tác dụng trực tiếp được
dùng để mô tả khi thuốc gắn trên các receptor (thụ thể) và gây ra đáp ứng. Ví
dụ adrenalin, noradrenalin gắn vào các thụ thể adrenergic gây cường giao
cảm; acetylcholin gắn vào các thụ thể cholinergic gây cường phó giao cảm.
Tác dụng gián tiếp là tác dụng gây ra do thuốc làm thay đổi quá trình
sinh tổng hợp, giải phóng, vận chuyển, hoặc quá trình chuyển hoá các chất nội
sinh, từ đó mới dẫn đến các đáp ứng trên tế bào và mô. Ví dụ các chất
anticholinesterase ức chế enzym cholinesterase gây cường phó giao cảm gián
tiếp.
37