Page 34 - Dược lý - Dược
P. 34
đối với thuốc là acid yếu (pKa = 5- 7,5) sẽ thải trừ tốt hơn khi pH nước tiểu kiềm. Vận dụng
những đặc tính trên người ta đẩy nhanh thải trừ chất độc trong một số trường hợp ngộ độc.
Ví dụ tiêm truyền dung dịch natri hydrocarbonat 1,4% để giải độc khi ngộ độc thuốc ngủ
barbituric.
2.4.2. Thải trừ qua đường tiêu hoá
Tất cả những chất không tan (than hoạt, dầu paraphin…) hoặc tan nhưng không có
khả năng hấp thu nếu dùng đường uống (magne sulfat, streptomycin…) đều thải trực tiếp
qua đường tiêu hoá. Tuy nhiên một số thuốc sau khi hấp thu được bài tiết qua các dịch của
hệ thống đường tiêu hoá như mật, dịch dạ dày, nước bọt…
Sau khi bị chuyển hóa ở gan, những thuốc có trọng lượng phân tử > 300 dal thường
được bài tiết qua mật. Từ mật các chất này được đổ vào ruột, một phần thuốc được hấp thu
trở lại ở ruột và thực hiện chu kỳ gan - ruột, một phần khác được thải trừ theo phân.
Phần lớn kháng sinh khi uống được thải trừ một phần qua đường tiêu hóa có thể gây
rối loạn tiêu hoá do làm giảm lượng vi khuẩn có ích trong ruột.
Một số thuốc khi thải trừ qua mật được hấp thu lại ở ruột và thực hiện chu kỳ gan -
ruột có thể gây tích lũy thuốc, kéo dài thời gian tác dụng như morphin, digitalis trợ tim.
2.4.3. Thải trừ thuốc qua các đường khác
2.4.3.1. Thải trừ thuốc qua đường hô hấp
Đường hô hấp là đường thải trừ nhanh nhất đối với các chất khí, các chất lỏng bay
hơi như ether, alcol, tinh dầu… Sự thải trừ qua các phế nang thực hiện theo cơ chế khuếch
tán đơn thuần. Mức độ thải trừ tăng lên khi thuốc ít tan trong huyết tương hoặc tăng lưu
lượng máu tới phổi. Một số chất được bài tiết qua dịch phế quản, ảnh hưởng đến tính chất
của dịch phế quản.
2.4.3.2. Thải trừ thuốc qua các đường khác
Thuốc có thể bị thải trừ qua dịch phế quản như: natri benzoat khi bài tiết gây kiềm
hoá dịch phế quản làm lỏng thành phần mucopolysacarit do đó dễ thải ra ngoài (tác dụng
long đờm)
Ngoài ra thuốc được bài tiết với số lượng không đáng kể qua các đường khác như
nước bọt, nước mắt (các iodit, dẫn chất arsen, dẫn chất thuỷ ngân...), mồ hôi (dẫn chất arsen,
muối kim loại nặng...).
27