Page 23 - Dược lý - Dược
P. 23
trọng khi dùng thuốc ngoài da cho trẻ. Đó cũng là lý do vì sao những trẻ bị eczema không
nên bôi các chế phẩm có các corticoid mạnh.
Ngoài việc dùng thuốc bôi trên da với tác dụng tại chỗ, ngày nay người ta đã dùng
thuốc trên da với tác dụng toàn thân dưới dạng miếng dán (patch). Phương pháp này thường
dùng cho những thuốc có hiệu lực mạnh, liều dùng thấp (< 10mg/ngày) đồng thời những
thuốc có nửa đời sinh học rất ngắn hoặc chuyển hoá bước một cao như nitrofurantoin,
nitroglycerin, propranolol, alprenolol, lidocain... Dùng thuốc hấp thu qua da dưới dạng
miếng dán có ưu điểm là nó có thể duy trì được nồng độ thuốc ở huyết tương ổn định trong
một thời gian dài. Tuy nhiên, dạng thuốc này có nhược điểm là có thể gây dị ứng hoặc kích
ứng tại chỗ. Trong trường hợp đó nên thay đổi vị trí dán khoảng 3 ngày/lần, thậm chí có
thể ngắn hơn.
2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng tới sự hấp thu thuốc
Các yếu tố sinh hóa trong quá trình vận chuyển thuốc qua màng tế bào
Các yếu tố sinh lý như: tuần hoàn tại vùng hấp thu, vùng hấp thu có nhiều mạch máu
đi qua thì hấp thu càng nhanh; diện tích vùng hấp thu càng lớn thì khả năng hấp thu càng
nhanh; độ pH tại vị trí hấp thu...
Các yếu tố thuộc về bản chất của thuốc như: khả năng hòa tan trong mỡ của các phân
tử thuốc, độ ion hóa và độ tan của thuốc.
Các yếu tố thuộc về dạng bào chế và liều dùng như: thuốc dạng dung dịch nước dễ
hấp thu hơn dạng dầu, dịch treo. Thuốc có nồng độ càng cao thì khả năng hấp thu càng
nhanh và ngược lại.
2.1.5. Các thông số dược động học của quá trình hấp thu thuốc
2.1.6. Diện tích dưới đường cong (AUC-Area Under the Curve)
Sau khi thuốc được đưa vào cơ thể (tiêm, uống), máu được lấy ở các thời điểm khác
nhau để xác định nồng độ thuốc trong huyết tương (Cp). Nếu ta vẽ đồ thị biểu diễn sự biến
thiên nồng độ thuốc trong máu (Cp) theo thời gian (t) thì diện tích dưới đường cong của đồ
thị biểu thị cho lượng thuốc vào được vòng tuần hoàn ở dạng còn hoạt tính sau khoảng thời
gian t. (Hình 3)
16