Page 21 - Dược lý - Dược
P. 21
- Tiêm tĩnh mạch: là đưa thẳng thuốc vào máu nên thuốc hấp thu hoàn toàn, thời gian
tiềm tàng rất ngắn, đôi khi gần bằng 0. Dùng đường tiêm tĩnh mạch trong trường hợp cần
có sự can thiệp nhanh của thuốc (giải độc khi bị ngộ độc, truyền máu trong mất máu cấp),
hoặc đối với những chất gây hoại tử khi tiêm bắp như dung dịch CaCl2, uabain v.v... Khi
cần đưa một lượng lớn dung dịch thuốc vào cơ thể người ta tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
Đối với trẻ em hệ cơ bắp còn nhỏ, lại chưa được tưới máu đầy đủ, do đó nên hạn chế
tiêm bắp vì khó biết được chính xác sinh khả dụng để có được một liều thuốc chính xác.
Khi tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt thuốc hấp thu nhanh hơn, hoàn toàn hơn so với
đường uống và ít nguy cơ rủi ro hơn so với tiêm tĩnh mạch. Tốc độ hấp thu qua đường tiêm
dưới da và tiêm bắp phụ thuộc vào độ tan của thuốc, nồng độ dung dịch tiêm, vị trí tiêm (sự
phân bố mao mạch và lưu lượng máu đến nơi tiêm). Tiêm dưới da thuốc hấp thu chậm hơn
và đau hơn tiêm bắp thịt vì ở dưới da có nhiều ngọn dây thần kinh cảm giác hơn và hệ thống
mao mạch ít hơn ở bắp thịt (bề mặt tiếp xúc của mạng lưới mao mạch ở dưới da nhỏ hơn ở
bắp thịt từ 4- 6 lần). Mặt khác, ở bắp thịt khả năng thiết lập lại cân bằng về áp suất thẩm
thấu nhanh hơn ở dưới da.
Người ta có thể làm tăng tốc độ và mức độ hấp thu thuốc khi tiêm dưới da hoặc bắp
thịt. Trong thực tế những biện pháp làm giảm hấp thu để đạt được tác dụng tại chỗ hoặc
làm chậm hấp thu để có tác dụng kéo dài được vận dụng nhiều hơn. Thí dụ, dùng các chất
cường giao cảm gây co mạch để hạn chế hấp thu, kéo dài tác dụng của các chất gây tê; thêm
vào dung dịch thuốc các chất cao phân tử để tăng độ nhớt, hạn chế sự khuếch tán của thuốc.
Cần chú ý không tiêm tĩnh mạch các hỗn dịch, các dung dịch dầu, các chất gây kết
tủa protein huyết tương và nói chung các chất không đồng tan với máu vì có thể gây tắc
mạch. Cũng không tiêm tĩnh mạch các chất gây tan máu hoặc độc với tim. Tốc độ tiêm tĩnh
mạch không được quá nhanh (ít nhất phải bằng một chu kỳ tim) vì khi tiêm nhanh sẽ tạo ra
một nồng độ thuốc cao đột ngột dễ gây trụy tim, hạ huyết áp, thậm chí có thể tử vong.
2.1.3.2. Hấp thu qua đường hô hấp
Phổi được cấu tạo từ các ống dẫn khí (các phế quản và tiểu phế quản) và các phế
nang. Các phế nang và các ống dẫn khí có mạng mao mạch phong phú bao quanh. Đặc biệt
bề mặt tiếp xúc của các phế nang rất lớn (70- 100m ) nên thuận lợi cho việc trao đổi khí và
2
hấp thu thuốc.
14