Page 121 - Dược lý - Dược
P. 121
tâm thần phân liệt cũng có các triệu chứng âm tính như trầm cảm, thờ ơ, lãnh cảm, chán
ăn…Trong hầu hết trường hợp, triệu chứng của bệnh tâm thần có thể được khắc phục với
sự kết hợp điều trị bằng thuốc và các biện pháp tâm lý. Tuy nhiên việc suy giảm nhận thức
mới là phần khó tác động đến nhất của rối loạn tâm thần.
Không phải tất cả các hội chứng rối loạn tâm thần đều là tâm thần phân liệt vì vậy
điều trị tâm thần phân liệt cần dựa theo sinh lý bệnh và có thể không áp dụng cho các rối
loạn tâm thần khác. Song hiệu quả của thuốc đối kháng dopamine D2 với các triệu chứng
dương tính của bệnh tâm thần phân liệt cho thấy một căn nguyên liên quan đến tăng quá
mức dẫn truyền thần kinh do kích thích thụ thể dopamin trong hầu hết các rối loạn tâm thần.
Nhóm thuốc ức chế tâm thần (còn gọi là thuốc an thần kinh, hay thuốc chống loạn
thần) và nhóm thuốc chống trầm cảm là hai nhóm thuốc phổ biến trong điều trị rối loạn tâm
thần.
3.2. Phân loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần
3.2.1. Thuốc ức chế tâm thần (thuốc chống loạn thần)
3.2.1.1. Đặc điểm chung
Thuốc chống loạn thần làm giảm các triệu chứng dương tính và cải thiện hành vi của
bệnh nhân tâm thần phân liệt. Thuốc chống loạn thần cũng được gọi là thuốc an thần kinh
bởi vì chúng ngăn chặn hoạt động vận động và biểu hiện cảm xúc.
Các thuốc này có 3 đặc điểm cơ bản:
- Có tác dụng an thần mạnh, chống rối loạn tâm thần thể hưng cảm, làm giảm các
kích thích về tâm thần, giảm ý thức, hoang tưởng, ảo giác, lo sợ... tạo cảm giác thờ ơ, lãnh
đạm.
- Có thêm tác dụng ức chế thần kinh thực vật, gây hạ huyết áp, giảm thân nhiệt.
- Có thể gây ra hội chứng ngoại tháp (bệnh Parkinson).
Khác với thuốc ngủ, các thuốc loại này dù dùng với liều cao cũng không gây ngủ,
chỉ có tác dụng gây mơ màng, làm dễ ngủ.
3.2.1.2. Cơ chế tác dụng
Các loại thuốc chống loạn thần tương tác với nhiều hệ thống dẫn truyền thần kinh.
Tác dụng điều trị của thuốc là kết quả của việc ức chế cạnh tranh với thụ thể dopamin và
thụ thể serotonin (5-HT).
114