Page 115 - Tâm lý trị liệu
P. 115
– Tự vận vào mình: Tự vận vào mình một sự kiện không hề có liên
quan. Ví dụ, bước vào một đám đông bắt gặp họ đang cười liền nghĩ và tin
chắc rằng họ đang cười nhạo mình. Điều này dẫn đến bực tức, khó chịu.
– Suy nghĩ tuyệt đối hoá: Nghĩ về các cực thái quá theo kiểu hoặc là tất
cả hoặc là không có gì, hoặc chỉ toàn màu đen hoặc chỉ toàn màu hồng. Ví dụ
tin rằng mình là kẻ bần cùng sau khi bị mất chiếc ví.
– Quan trọng hoá hoặc coi thường: nhìn một sự việc hoặc là quá quan
trọng hoặc quá coi thường. Ví dụ: nghĩ rằng mình là kẻ dốt văn sau khi được
trả một bài kiểm tra văn với nhiều lỗi chính tả.
Những sai lệch này về nhận thức có nhiều điểm trùng với Ellis. Các
mục tiêu trị liệu nhằm điều chỉnh nhận thức theo Beck là điều chỉnh lại quá
trình nhận thức – xử lý thông tin. Có thể điều chỉnh niềm tin không hợp lý
bằng cách thu thập bằng chứng hoặc bằng một loạt các câu hỏi để phát hiện
những suy luận vô lý hoặc bằng cách thực nghiệm để kiểm định tính logic hợp
lý của những niềm tin đang tồn tại.
Chẳng hạn: để ứng phó với chứng bệnh lo âu, các nhà trị liệu đã sử
dụng những chiến lược ứng phó sau đây nhằm điều chỉnh lại quá trình nhận
thức–xử lý thông tin:
– Đánh giá lại sự kiện, phân tích lại tình huống để tìm những ý nghĩ tự
động (automatic thoughts) và phát hiện những lỗi hoặc tính vô lý của những ý
nghĩ này.
– Thách thức những giả thuyết cơ bản của người bệnh: những tiền đề
sai lệch ban đầu cần được mổ xẻ, phân tích để tìm ra tính bất hợp lý cần phải
điều chỉnh.
– Nhìn sự vật từ quan điểm của người khác: phân tích lại tình huống
hoặc sự kiện từ các góc nhìn khác nhau, đặt mình vào vị trí của người khác
để có cái nhìn hợp lý hơn về bản chất tình huống hay sự kiện: về các giải
pháp thay thế.