Page 9 - Dược liệu
P. 9
phân huỷ. Ngoài ra, vì làm nóng nhanh nên tạo xung quanh dược liệu một lớp mỏng
khô bao phía ngoài làm cho việc làm khô tiếp theo bị khó khăn. Hơn nữa, một vài chất
trong dược liệu cũng bị biến đổi như protein bị vón, tinh dầu bị bay hơi, đường bị
chuyển thành caramen.
Trên đây là một số phương pháp chính để phá huỷ enzym, đảm bảo cho hoạt chất
trong dược liệu sau khi làm khô được giữ nguyên vẹn như khi còn tươi. Tuy nhiên,
cũng có trường hợp người ta để cho enzym hoạt động để tăng hàm lượng hoạt chất
mong muốn, ví dụ muốn tăng hàm lượng diosgenin trong nguyên liệu, người ta ủ
nguyên liệu tươi với nước. Muốn chiết digitoxin trong lá Dương địa hoàng thì cứ để
cho enzym hoạt động.
3.3. Làm khô dược liệu
Làm khô dược liệu mục đích để bảo quản dược liệu khỏi bị nhiễm mốc, vi khuẩn,
bị tác động bởi enzym và hạn chế các biến đổi hoá học có thể xảy ra trong dược liệu
như bị thuỷ phân, oxy hoá, đồng phân hoá, trùng hợp hoá. Dược liệu khô thì dễ xay
nghiền và vận chuyển thuận lợi. Việc làm khô liên quan đến 2 yếu tố là nhiệt độ và
thông hơi. Tuỳ theo yêu cầu của mỗi dược liệu mà nhiệt độ và thời gian phơi sấy được
khống chế.
3.3.1. Phơi
Có 2 cách phơi là phơi dưới ánh nắng mặt trời và phơi trong râm.
Phơi dưới ánh nắng mặt trời: thông thường dược liệu được trải trên các tấm liếp
đặt cao khỏi mặt đất vừa để tránh lẫn đất cát vừa để thoáng khí ở cả mặt dưới lớp dược
liệu. Trong quá trình phơi thường xuyên xới đảo. Thời gian phơi có thể kéo dài từ vài
giờ đến vài ngày tuỳ theo lượng nước chứa trong dược liệu và thời tiết. Cách phơi này
đơn giản ít tốn kém nhưng có một số nhược điểm như bị động bởi thời tiết, nhiễm bụi,
thu hút ruồi nhặng đối với dược liệu có đường, một số hoạt chất trong dược liệu có thể
bị biến đổi bởi tia tử ngoại.
Phơi trong râm: dược liệu được trải mỏng trên các liếp hoặc buộc thành bó nhỏ
rồi treo hoặc vắt theo kiểu chữ X trên các sợi dây thép. Việc làm khô được tiến hành
trong các lều chung quanh không có vách. Phơi trong râm thường được áp dụng với
các dược liệu là hoa để bảo vệ màu sắc hoặc các dược liệu chứa tinh dầu.
3.3.2. Sấy
Sấy là biện pháp tuy tốn kém nhưng có lợi ở chỗ không bị động bởi thời tiết, rút
ngắn thời gian làm khô, bảo vệ được một số dược liệu khỏi bị biến đổi bởi tia UV và
làm khô nhanh nên làm giảm tác động của enzym. Khác với phơi, sấy phải được thực
hiện trong buồng kín nhưng có lỗ thông hơi. Nhiệt độ của lò cung cấp nhiệt có thể điều
o
chỉnh để nhiệt độ sấy có thể thay đổi từ 30 - 80 C. Lúc khởi đầu không nên để nhiệt độ
cao quá vì sẽ tạo ra một lớp mỏng khô bao ngoài dược liệu làm ngăn cản sự bốc hơi
nước của các lớp bên trong. Điều kiện thông hơi (thường dùng quạt hút) cũng phải
theo dõi để vừa đủ đẩy hết không khí bão hoà hơi nước khỏi buồng sấy. Đối với các
loại củ, rễ hoặc thân rễ thường được thái mỏng hoặc đập dập để dễ khô.
Hiện nay, đối với cây thuốc người ta hay thiết kế buồng sấy kiểu hầm thông.
Thiết bị cung cấp nhiệt được đặt ở một đầu buồng sấy và ở dưới thấp, quạt gió hút ở
đầu đối diện và ở phía trên cao. Trong hầm thông có các đường ray để các xe mang
các khay sấy chứa dược liệu di chuyển dễ dàng. Khay sấy thường có chiều dài 1,5 m