Page 4 - Dược liệu
P. 4

Là một trong những môn học chuyên môn, môn dược liệu có liên quan đến
                  những môn học khác như thực vật, hoá hữu cơ, hoá phân tích và dược lý. Do đó sinh
                  viên cần liên hệ kiến thức của các môn học trên khi học môn dược liệu.

                  2. Lịch sử phát triển của dược liệu học Việt Nam
                        Nền y dược học của dân tộc ta cũng đã có một lịch sử lâu đời. Vào khoảng 4000
                  năm TCN Thần Nông đã dạy cho người dân sử dụng các loại ngũ cốc, thực phẩm và
                  biết phân biệt cây cỏ có tác dụng chữa bệnh.
                        Vào thời Hồng-Bàng (2879 TCN) tổ tiên ta đã biết kết hợp một số dược liệu (vỏ
                  Lựu, Ngũ bội tử, Cánh kiến) để nhuộm răng, đã có tục nhai trầu (trầu, cau, vôi) để
                  bảo vệ răng và da dẻ hồng hào, biết uống chè vối cho dễ tiêu; dùng gừng, hành, tỏi
                  để làm gia vị và để phòng bệnh. Từ thời Hùng Vương, người dân đã biết ủ và cất
                  rượu dùng để uống và làm thuốc. Thời Thục An Dương Vương (257 - 179 TCN) đã
                  biết chế tên độc bắn địch [Lê Trần Đức - Lược sử thuốc nam và y dược học dân tộc.
                  Theo sử ghi chép, dưới thời Nam Việt - Giao Chỉ, nhiều vị thuốc đã được phát hiện:
                  Cau, Ý dĩ, Long nhãn, Vải, Gừng gió, Quế, Trầm hương, quả Giun (Sử quân tử),
                  Hương bài, Cánh kiến (An tức hương), Mật ong, sừng Tê giác v.v…
                        Dưới các triều Ngô - Đinh - Lê - Lý trong nước ta đã có nhiều thầy thuốc chuyên
                  nghiệp chữa bệnh cho dân. Trong triều đình đã có Ty Thái y có nhiệm vụ chăm lo sức
                  khoẻ cho hoàng gia. Các vị danh y có tiếng vào đời nhà Lý là các nhà sư Từ Đạo
                  Hạnh, Nguyễn Minh Không.
                        Đến thế kỷ thứ 14 dưới đời nhà Trần (1225 - 1399) nền y dược học nước ta mới
                  phát triển mạnh. Thời này đã có Viện Thái Y với nhiệm vụ chữa bệnh cho vua quan
                  trong triều và trông nom cả việc cứu tế và y tế cho nhân dân, có mở khoa thi tuyển lựa
                  lương y. Viện Thái y có tổ chức đi thu thập cây thuốc và tổ chức nhân dân trồng cây
                  thuốc. Dưới đây là những vị danh y có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ
                  nhân dân và xây dựng nền y dược học nước ta.
                        Tuệ Tĩnh, chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh (đi tu lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh) quê ở
                  làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải
                  Dương (nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Về năm sinh hiện
                  chưa có tài liệu lịch sử chính xác. Theo Trương Xuân Nam [Lịch sử ngành Dược Việt
                  Nam, Nxb. Y học] thì ông sinh vào năm 1330, mồ côi cha mẹ lúc 6 tuổi được các nhà
                  sư chùa Hải Triều trong tổng nuôi ăn học. Năm 22 tuổi ông thi đậu Thái học (Tiến sĩ)
                  dưới triều Trần Dụ Tông (1341-1369), nhưng không ra làm quan. Ông ở chùa đi tu
                  nhưng có mục đích làm từ thiện và chữa bệnh giúp dân. Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu cây
                  cỏ Việt Nam, đã sưu tầm những bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian kết hợp
                  kinh nghiệm trị bệnh của y học Trung Hoa để xây dựng một nền y học có tính chất dân
                  tộc, đại chúng và sáng tạo trong thời kỳ mà thuốc Bắc rất thịnh hành.

                        Các tác phẩm của Tuệ Tĩnh còn lại 2 tác phẩm có giá trị là "Hồng Nghĩa giác tự
                  y thư" và "Nam dược thần hiệu". Bộ Hồng Nghĩa giác tự y thư (2 quyển) được biên
                  soạn bằng thơ nôm để truyền bá rộng rãi y dược học dân tộc và y lý biện chứng trị liệu.
                  Bộ sách “Nam dược thần hiệu” gồm 11 quyển, quyển đầu nói về dược tính của 499 vị
                  thuốc nam, mười quyển sau, mỗi quyển nói về một khoa trị bệnh. Tư tưởng chỉ đạo
                  của Tuệ Tĩnh về đường hướng y học là "Nam dược trị Nam nhân":

                                                “Tôi tiên sư, Kính đạo tiên sư
                                           Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”
   1   2   3   4   5   6   7   8   9