Page 55 - Dược liệu
P. 55
Loại methanol dưới áp suất giảm. Hòa cặn trong nước để có dung dịch 10% rồi lắc
với n-butanol. Tách lớp n-butanol, bốc hơi butanol dưới áp suất giảm rồi hòa cặn với
methanol. Có thể tinh chế thêm bằng cách rót từ từ dung dịch methanol vào ether có
lượng lớn gấp 10 - 15 lần (có khi dùng aceton hoặc hexan thay ether) saponin sẽ tủa.
Saponin kiềm thuộc nhóm spirosolan và solanidan có thể chiết như sau: bột dược
liệu thêm methanol đun nóng đến sôi trên nồi cách thủy. Dịch lọc đem bốc hơi đến khô
0
trên nồi cách thủy. Cắn được hoà tan trong acid acetic 5%, đun nóng đến 80 C rồi
kiềm hoá bằng ammoniac sẽ xuất hiện tủa. Tủa được ly tâm rồi hòa tan vào ethanol
96%.
1.4. Phương pháp định tính và định lượng saponin trong dược liệu
1.4.1. Dựa trên tính chất tạo bọt:
Đây là tính chất đặc trưng nhất của saponin do phân tử saponin lớn và có một đầu
ưa nước, một đầu kỵ nước. Dựa trên hiện tượng gây bọt ở môi trường kiềm và acid để
sơ bộ phân biệt saponin steroid và saponin triterpenoid.
Cách tiến hành: lấy 1 g bột dược liệu thêm 5ml cồn, đun sôi cách thuỷ 15 phút.
Lấy 2 ống nghiệm cỡ bằng nhau, cho vào ống 1: 5ml HCL 0,1N (pH = 1) , ống 2: 5 ml
NaOH 0,1 N (pH = 13). Cho thêm vào mỗi ống 2 – 3 giọt DD cồn chiết rồi bịt ống
nghiệm, lắc mạnh cả 2 ống nghiệm trong 15 giây, để yên.
+ Nếu cột bọt trong 2 ống cao ngang nhau và bền như nhau thì sơ bộ xác định
trong dược liệu có saponin triterpenoid.
+ Nếu ống kiềm có cột bọt cao hơn ống kia thì sơ bộ xác định là saponin steroid.
Ngoài ra có thể dựa vào chỉ số bọt để đánh giá một nguyên liệu chứa saponin.
Chỉ số bọt là số ml nước để hoà tan saponin có trong 1 gam nguyên liệu cho cột
bọt cao 1 cm sau khi lắc và đọc (tiến hành trong điều kiện qui định).
1.4.2. Dựa trên tính chất phá huyết:
Đây cũng là tính chất đặc trưng của saponin. Tính phá huyết có liên quan đến sự
tạo phức với cholesterol và các ester của nó trong màng hồng cầu nhưng cũng cần phải
xét đến ảnh hưởng của saponin trên các thành phần khác của màng hồng cầu.
Hồng cầu của các động vật khác nhau cũng bị tác động khác nhau đối với 1
saponin. Hồng cầu cừu dễ bị phá huyết nên dùng tốt, có thể dùng máu của súc vật có
sừng khác hoặc dùng máu thỏ để đánh giá 1 nguyên liệu chứa saponin, người ta dựa
trên chỉ số phá huyết là số ml dung dịch đệm cần thiết để hoà tan saponin có trong 1
gam nguyên liệu gây ra sự phá huyết đầu tiên hoàn toàn đối với một thứ máu đã chọn
(tiến hành trong điều kiện qui định).
1.4.3. Dựa trên độ độc với cá:
Cá là động vật rất nhậy cảm với saponin nên người ta dùng các cây có saponin để
thuốc cá. Để đánh giá nguyên liệu chứa saponin, người ta có thể dựa vào chỉ số cá. Chỉ
số cá cũng phải tiến hành trong những điều kiện qui định: môi trường, loại cá.
1.4.4. Khả năng tạo phức với cholesterol:
Những saponin triterpenoid tạo phức kém hơn loại steroid. Trong loại steroid thì
digitonin kết hợp với cholesterol gần như hoàn toàn, do đó digitonin được dùng làm
thuốc thử để định lượng cholesterol trong hoá sinh.
1.4.5. Các phản ứng màu:
Acid sulfuric đậm đặc hoà tan các saponin và cho màu thay đổi từ vàng, đỏ, lơ –
xanh lá hay lơ – tím.