Page 77 - Bào chế
P. 77

pH của thuốc tiêm có thể bị thay đổi trong quá trình bảo quản chế phẩm do nhiều
                  nguyên nhân: do dược chất bị phân huỷ (thuỷ phân, oxy hoá hay quang hoá); do tương
                  tác các thành phần trong thuốc tiêm với nhau; do sự nhả kiềm từ bao bì thuỷ tinh; do
                  khí thấm từ môi trường bên ngoài qua bao bì bằng chất dẻo hay cao su vào thuốc. Khi
                  pH của thuốc tiêm thay đổi sẽ làm giảm độ ổn định của dược chất trong thuốc tiêm. Do
                  đó cần phải duy trì pH của thuốc tiêm bằng cách dung hệ đệm.

                                Bảng 5.2. Một số hệ đệm hay dùng trong pha chế thuốc tiêm
                  Hệ đệm                         Khoảng pH                  Nồng độ thường dùng(%)
                  Acid acetic và muối            3,5 – 5,7                  1 – 2

                  Acid citric và muối            2,5 – 6,0                  1 – 3
                  Acid phosphoric và muối        6,0 – 8,2                  0,8 – 2
                  Acid glutamic và muối          8,2 – 10,2                 1 – 2
                         Tuyệt đối không dùng hệ đệm boric/borat trong các công thức thuốc tiêm vì
                  acid boric đi qua được màng hồng cầu, gây vỡ hồng cầu rất mạnh.

                       - Làm giảm đau, giảm kích ứng và hoại tử tại nơi tiêm thuốc:
                        Cơ thể có thể chịu đựng được các thuốc tiêm có pH từ 4 – 10 nhờ các hệ đệm
                  sinh lý tự nhiên có trong các dịch gian  bào. Nhưng  nếu thuốc tiêm quá acid  (pH < 3)
                  hay quá kiềm (pH >10) thì sẽ kích ứng rất mạnh và gây đau, thậm chí có thể gây hoại
                  tử mô tại chỗ tiêm thuốc, nhất là khi tiêm dưới da hay tiêm bắp, trừ khi tiêm tĩnh mạch
                  chậm vì khi đó thuốc sẽ được pha loãng và trung hoà bởi các hệ đệm của máu. Đối với
                  các thuốc tiêm vào dịch não tuỷ hoặc tiêm vào màng cứng cần điều chỉnh pH của dung
                  dịch thuốc tiêm trong khoảng 7,0 – 7,6 và lý tưởng nhất là 7,4 vì thuốc tiêm không
                  trung tính có thể gây ra viêm màng não vô khuẩn.
                       - Tăng sinh khả dụng của thuốc:
                        Đối với các thuốc tiêm bắp hay tiêm dưới da, các phân tử dược chất trong thuốc
                  tiêm phải thấm (hấp thu) qua các màng sinh học từ chỗ tiêm vào vòng tuần hoàn, rồi từ
                  máu phân đến nơi tác dụng của thuốc (đích). Màng sinh học có thành phần chủ yếu là
                  lớp lipid kép nên màng sinh học có đặc tính thân lipid. Dược chất có tính thân lipid (dễ
                  tan trong lipid) dễ thấm qua màng sinh học. Đối với các dược chất là các acid yếu hay
                  base yếu, mức độ thân lipid của chúng phụ thuộc vào mức độ ion hoá của dược chất,
                  dạng không ion hoá tan tốt trong lipid so với dạng ion hoá nên dễ thấm qua màng sinh
                  học hơn. Mà mức độ ion hoá dược chất trong các dung dịch thuốc tiêm lại phụ thuộc
                  vào hằng số phân ly Ka của dược chất và pH của dung dịch thuốc.

                        Tóm lại, pH của một chế phẩm thuốc tiêm cần được điều chỉnh ở một khoảng
                  giá trị phù hợp để đồng thời đảm bảo độ tan, độ ổn định của chế phẩm, ít gây đau khi
                  tiêm và phát huy được tác dụng sinh học tốt nhất. Trường hợp không thể dung hoà
                  được cả bốn yêu cầu trên thì bao giờ cũng phải ưu tiên trước hết là độ tan và độ bền
                  vững của dược chất sau  đó mới đến hai yếu tố còn lại.

                  2.3.3.  Các biện pháp chống oxy hoá dược chất trong thuốc tiêm
                        Nhiều dược chất: Adrenalin, morphin, vitamin C, diclofenac, clopromazin, …  tự
                  bản thân chúng là các chất khử nên rất dễ oxy hoá. Các phân tử dược chất bị oxy hoá
                  càng nhanh khi pha thành dung dịch.






                                                                                                         74
   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82