Page 72 - Bào chế
P. 72
- Dựa theo hệ phân tán: thuốc tiêm dung dịch, thuốc tiêm hỗn dịch, thuốc tiêm
nhũ tương, thuốc tiêm dạng bột vô khuẩn.
- Dựa theo bản chất dung môi: thuốc tiêm nước và thuốc tiêm dầu.
- Dựa theo liều dùng: thuốc tiêm liều nhỏ và thuốc tiêm liều lớn (thuốc tiêm
dùng với liều > 100ml cho mỗi lần tiêm).
1.4. Những ưu điểm và nhược điểm của thuốc tiêm
1.4.1. Ưu điểm
- Thuốc tiêm có tác dụng nhanh, nhất là khi được tiêm trực tiếp vào máu (tiêm
tĩnh mạch, tiêm động mạch) hay tác dụng tức thời khi tiêm trực tiếp vào cơ quan đích
(tiêm vào tim, tiêm vào dịch não tuỷ) nên rất thích hợp trong những trường hợp cấp
cứu (ngừng tim, hen phế quản kịch phát, sốc).
- Thuốc tiêm là dạng thuốc thích hợp đối với dược chất không thể dùng theo
đường uống do: dược chất bị phân huỷ hoặc bị phá huỷ trong môi trường acid của dịch
dạ dày và các enzym trong đường tiêu hoá, dược chất ít được hấp thu qua màng ruột
(kháng sinh chống nấm amphotericin B), dược chất khi dùng theo đường uống gây ra
tác dụng không mong muốn (emetin gây nôn khi uống).
- Thuốc tiêm cho phép khu trú tác dụng của thuốc tại nơi tiêm nhằm tăng cường
tác dụng tại đích và hạn chế hoặc tránh tác dụng độc với toàn thân. Ví dụ, các thuốc
gây tê tại chỗ khi nhổ răng được tiêm trực tiếp vào chân răng.
- Thuốc tiêm thích hợp khi bệnh nhân không uống được (ngất, phẫu thuật
đường tiêu hóa) hoặc bệnh nhân không hợp tác với thầy thuốc.
- Dùng thuốc theo đường tiêm cho phép kiểm soát được liều lượng chính xác
hơn so với đường uống; là dạng thuốc dùng để nghiên cứu dược động học của các
dạng thuốc mới.
1.4.2. Nhược điểm
- Thuốc tiêm được tiêm trực tiếp vào các mô, bỏ qua các hàng rào bảo vệ tự
nhiên của cơ thể như da và niêm mạc, do đó thuốc tiêm phải vô khuẩn; nếu thuốc tiêm
không vô khuẩn sẽ gây nhiễm khuẩn rất nguy hiểm cho người bệnh.
- Khác với dạng thuốc uống, bênh nhân không tự tiêm đươc. Chỉ có những
người có trình độ chuyên môn y học nhất định mới được phép tiêm thuốc cho người
bệnh.
- Nếu tiêm quá liều, sai đường tiêm sẽ gây tai biến nặng, thậm chí tử vong.
- Dùng thuốc theo đường tiêm tốn nhiều thời gian hơn so với đường dùng thuốc
khác, có khi kéo dài nhiều giờ như tiêm truyền tĩnh mạch và phải theo dõi sát tình
trạng bệnh nhân trong suốt quá trình tiêm thuốc.
- Chỉ bào chế được thuốc tiêm đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có đủ điều kiện về
thực hành sản xuất thuốc vô khuẩn; nên giá thành của các chế phẩm thuốc tiêm thường
cao hơn so với các dạng thuốc khác.
2. THÀNH PHẦN CỦA THUỐC TIÊM
Trong chế phẩm thuốc tiêm thường có 4 thành phần chính:
- Dược chất
- Dung môi
- Các thành phần khác
69