Page 130 - Hóa dược
P. 130
Chương 7. THUỐC ẢNH HƯỞNG CHỨC NĂNG DẠ DÀY
– RUỘT
MỤC TIÊU HỌC TẬP
1. Trình bày được các nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng, các nhóm thuốc dùng
trong điều trị loét dạ dày - tá tràng.
2. Vẽ được công thức cấu tạo chung, tính chất lý hóa chung và ứng dụng trong bào chế,
kiểm nghiệm các thuốc ức chế H2, ức chế bơm proton.
3. Trình bày được tính chất lý hoá và ứng dụng trong định tính, định lượng các thuốc
chính trình bày trong chương..
Thuốc ảnh hưởng chức năng dạ dày – ruột có nhiều nhóm khác nhau. Chương này
trình bày các nhóm thuốc chính gồm:
- Thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng
- Thuốc nhuận tràng, tẩy
- Thuốc điều trị tiêu chảy
Các nhóm thuốc gây nôn, chống nôn đã được trình bày lồng ghép trong chương 3
và chương 6. Một số thuốc có tác dụng kích thích tiêu hóa được trình bày trong chương
vitamin và các chất dinh dưỡng (chương 5).
1. THUỐC ĐIỀU TRỊ LOÉT DẠ DÀY - TÁ TRÀNG
Loét dạ dày – tá tràng là bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra:
- Do vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Do tác dụng phụ của thuốc, ví dụ thuốc chống viêm phi steroid hoặc thuốc chống
viêm steroid.
- Do dùng rượu, bia; các chất kích thích.
- Do yếu tố thần kinh: căng thẳng, stress..
Hai tác nhân gây loét trực tiếp là acid hydrocloric và men pepsin.
Nguyên tắc điều trị cần làm giảm các yếu tố gây loét và tăng cường các yếu tố bảo
vệ.
Để điều trị loét dạ dày – tá tràng có các nhóm thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh khi có nhiễm H. pylori: các thuốc kháng sinh nhạy cảm với H.
pylori là amoxycillin, clarithromycin, các thuốc kháng khuẩn azol, quinolon… Để điều trị
H. pylori phải dùng phối hợp 2-3 kháng sinh trong vòng 10-14 ngày.
- Thuốc kháng acid: thường là các base, có tác dụng trung hòa bớt acid dịch vị như
nhôm hydroxyd, magnesi hydroxyd..
122