Page 18 - Giáo trình môn học Cấu tạo cơ thể
P. 18
Điều hoà chức năng được thực hiện nhờ hai hệ thống (hai con đường) là:
hệ thống thần kinh (đường thần kinh) và hệ thống thể dịch (đường thể dịch).
Hai hệ thống này phối hợp hoạt động và tạo ra các hệ điều khiển trong cơ thể
(có hệ ở mức tế bào, mức cơ quan/hệ thống cơ quan, có hệ ở mức toàn cơ
thể). Bản chất của các hệ điều khiển này nói chung đều tuân theo cơ chế điều
hoà ngược (feedback).
4.1. Điều hoà bằng đường thần kinh
Hệ thống thần kinh trong cơ thể bao gồm các cấu trúc như: vỏ não, các
trung tâm dưới vỏ, hành não và tuỷ sống, các dây thần kinh vận động, các dây
thần kinh cảm giác, các dây thần kinh sọ và hệ thần kinh tự chủ. Các cấu trúc
thần kinh này tham gia điều hòa chức năng thông qua các phản xạ. Có hai
loại phản xạ là phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện. Cả hai loại
phản xạ này chỉ được thực hiện trên cơ sở cung phản xạ có đầy đủ 5 bộ phận.
4.1.1.Các bộ phận của cung phản xạ:
- Bộ phận cảm thụ: là cơ quan nhận cảm các kích thích, còn được gọi là
thụ cảm thể (receptor), thường nằm trên da, niêm mạc, bề mặt khớp, thành
mạch, bề mặt các tạng, cơ quan trong cơ thể.
- Đường truyền vào: là dây thần kinh cảm giác hoặc dây thần kinh tự chủ.
- Trung tâm phản xạ: vỏ não, các cấu trúc dưới vỏ và tuỷ sống.
- Đường truyền ra: là dây thần kinh vận động và dây thần kinh tự chủ.
- Bộ phận đáp ứng: là cơ hoặc tuyến .
Có hai loại phản xạ:
4.1.2. Phản xạ không điều kiện (PXKĐK):
Đây là loại phản xạ cố định có tính bản năng, sinh ra đã có, không cần
luyện tập, tồn tại vĩnh viễn suốt đời và có khả năng di truyền sang đời sau.
Loại phản xạ này có một cung phản xạ cố định. Với một kích thích nhất định,
tác động vào một bộ phận cảm thụ nhất định sẽ gây một đáp ứng nhất định. Ví dụ:
trẻ mới sinh ra đã biết bú mẹ, khi vừa chào đời trẻ đã cất tiếng khóc, …
14