Page 13 - Giáo trình môn học Cấu tạo cơ thể
P. 13
Là quá trình tổng hợp các sản phẩm có cấu tạo đơn giản được cung cấp
từ quá trình tiêu hóa, thành các chất có cấu tạo phức tạp (cấu trúc phân tử lớn)
đặc trưng cho cơ thể, để cho sinh vật tồn tại và phát triển. Ví dụ: quá trình tổng
hợp protein của cơ thể, tổng hợp các yếu tố đông máu, quá trình tổng hợp mỡ
dự trữ trong cơ thể, ...
Quá trình đồng hóa được cung cấp năng lượng bởi dị hoá.
- Quá trình dị hoá:
Là quá trình phân giải các cấu trúc phân tử lớn (cấu trúc phức tạp) trong
cơ thể (như: glycogen, lipid, protein,…) thành các đơn vị nhỏ hơn để giải
phóng năng lượng cho cơ thể hoạt động và thải các sản phẩm chuyển hóa ra
khỏi cơ thể.
Nguyên liệu của quá trình dị hoá chính là sản phẩm của quá trình đồng hoá.
Như vậy, đồng hóa và dị hóa là hai quá trình đối nghịch nhau, nhưng lại
liên quan chặt chẽ và phụ thuộc vào nhau, và là hai mặt thống nhất của một
quá trình chung, gọi là chuyển hóa. Hai mặt này thường cân bằng nhau để cơ
thể tồn tại, phát triển. Ví dụ: trong cơ thể, khi chúng ta ăn nhiều glucid, quá
trình đồng hoá sẽ tăng, làm tăng tổng hợp glycogen để dự trữ năng lượng; Khi
tế bào/cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động thì dị hoá lại tăng lên, tăng phân
giải glycogen thành glucose nhằm cung cấp năng lượng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như: tuổi tác hay trạng thái hoạt
động của cơ thể, quá trình đồng hoá có thể mạnh hơn quá trình dị hoá (hoặc
ngược lại). Ví dụ: Ở trẻ nhỏ, quá trình đồng hoá thường mạnh hơn quá trình
dị hoá (giúp các tế bào cơ thể trẻ phát triển và sinh sản); Nhưng ở người hoạt
động thể lực nhiều, thì quá trình dị hoá sẽ mạnh hơn quá trình đồng hoá (để
cung cấp năng lượng cho tế bào cơ hoạt động).
Khi quá trình chuyển hóa rối loạn, nghĩa là rối loạn hoạt động chức
năng của cơ thể.
Ngừng chuyển hoá là ngừng sự sống.
9