Page 16 - Giáo trình môn học Cấu tạo cơ thể
P. 16
chứa rất nhiều sản phẩm do chính cơ thể tổng hợp và bài tiết, như: hormon (nội
tiết tố), các kháng thể, bổ thể, các yếu tố đông máu,...
Nhưng dịch ngoại bào lại có rất ít ion kali, ion calci, ion magie, ion
phosphat hay các acid hữu cơ.
Rối loạn nội môi (rối loạn về thể tích dịch của nội môi, hay thành phần
và nồng độ các chất hoà tan trong nội môi) sẽ dẫn tới rối loạn hoạt động chức
năng của các tế bào, gây nên các tình trạng bệnh lý.
3.2. Hằng tính (cân bằng, ổn định) nội môi
3.2.1. Khái niệm về hằng tính nội môi
Thuật ngữ hằng tính nội môi mà Cannon gọi là homeostasis, được các
nhà sinh lý học dùng với nghĩa là sự ổn định nồng độ các chất, độ pH, nhiệt
độ của môi trường bên trong cơ thể, ... hay nói cách khác là duy trì sự hằng
định của nội môi.
3.2.2. Vai trò của hằng tính nội môi
Các tế bào chỉ có thể tồn tại, phát triển và thực hiện được chức năng của
nó khi được sống trong môi trường thích hợp và ổn định về thể tích dịch và
nồng độ các chất hoà tan trong nội môi, như: oxygen, glucose, các ion, các
acid amin, các acid béo và các thành phần khác.
Hằng tính nội môi đóng vai trò rất quan trọng vì nó đảm bảo điều kiện
thích hợp cho các phản ứng hóa học có thể xảy ra một cách bình thường ở
các tế bào và do đó đảm bảo cho các hoạt động chức năng của cơ thể được
duy trì ở mức bình thường.
3.2.3. Điều kiện đảm bảo hằng tính (sự cân bằng) nội môi
Sự hằng định của nội môi luôn luôn được đảm bảo nhờ ba quá trình, đó là:
* Quá trình tiếp nhận, tiêu hóa và chuyển hóa vật chất thành các chất và
năng lượng cần thiết cho cấu trúc và hoạt động của tế bào, bao gồm:
Hệ tiêu hóa: tiếp nhận thức ăn từ ngoài vào cơ thể, nhờ các hoạt động
của quá trình tiêu hoá mà cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng, các
vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng.
Hệ hô hấp: cung cấp đủ lượng oxy cho tế bào sử dụng.
12