Page 130 - Giáo trình môn học Cấu tạo cơ thể
P. 130
5.2. Chức năng của tiểu cầu
- Chức năng kết dính: màng tiểu cầu có các phân tử glycoprotein, ngăn
cản tiểu cầu không dính vào thành mạch bình thường mà trôi tự do theo dòng
máu, nhưng lại làm tiểu cầu dính vào các sợi collagen dưới nội mạc khi thành
mạch tổn thương.
- Khả năng ngưng tập/kết tụ: khi ra khỏi cơ thể tiểu cầu có xu hướng
ngưng tập thành từng đám dưới ảnh hưởng của ADP do tiểu cầu và hồng cầu
giải phóng ra.
- Chức năng chế tiết: khi tiểu cầu bị hoạt hoá bởi một số chất kích hoạt
như ADP, collagen,... các hạt đặc hiệu của tiểu cầu trở thành dạng hoạt động,
tăng chế tiết serotonin, heparin, histamin, fibrinogen.
- Tiểu cầu tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình cầm máu-
đông máu.
6. Quá trình cầm máu
Cầm máu là một quá trình diễn ra nhằm hạn chế hoặc ngăn cản máu chảy
ra khỏi mạch khi thành mạch bị tổn thương. Quá trình cầm máu được thực
hiện qua 4 giai đoạn: Co mạch, hình thành nút tiểu cầu, đông máu, co và tan
cục máu đông. Sau khi quá trình cầm máu hoàn thành, tại nơi tổn thương, mô
xơ phát triển thành sẹo làm liền vết thương.
6.1. Giai đoạn co mạch
Ngay sau khi thành mạch bị tổn thương, mạch máu sẽ co lại để hạn chế
lượng máu thoát ra ngoài. Co mạch còn có tác dụng làm tốc độ lưu chuyển máu
chậm lại, tạo điều kiện cho việc hình thành nút tiểu cầu và cục máu đông. Cơ chế
của co mạch là do:
- Phản xạ co mạch được phát động do những xung động đau từ nơi mạch
bị tổn thương kích thích thần kinh giao cảm.
- Serotonin và thromboxanA2 được bài tiết từ tiểu cầu cũng gây co mạch.
Sự co thành mạch tại chỗ tổn thương có thể kéo dài trong nhiều phút, tạo
điều kiện cho tiểu cầu kết dính và kết tụ vào nơi tổn thương.
126