Page 63 - Dược lý - Dược
P. 63
3.1.2. Tính dị thường vốn có của người dùng thuốc
Quá mẫn cảm với thuốc: thí dụ, với liều lượng thường dùng các salicylat, quinin, đã
có người bị đỏ da, ngứa, phát ban, nôn, nhức đầu, đau dạ dày, khó thở, rối loạn thị giác.
Một biểu hiện đặc biệt là dị ứng thuốc, rất hay gặp, không chỉ với kháng sinh nhóm
betalactam, mà với nhiều nhóm thuốc khác.
3.1.3. Người dùng thuốc đang mắc bệnh khác
Thí dụ: thuốc chống đông máu waffarin, aspirin gây chảy máu trầm trọng ở người
bệnh thiếu một trong các yếu tố chống đông.
3.2. Các yếu tố thuộc về thuốc
3.2.1. Bào chế thuốc
- Hàm lượng thuốc:
Trong quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng dược phẩm có thể có những sai sót
làm cho hàm lượng hoạt chất trong chế phẩm cao hơn hàm lượng qui định ghi trên nhãn và
việc sử dụng các chế phẩm này có thể gây ra ADR typ A.
- Tốc độ giải phóng hoạt chất:
Tốc độ giải phóng dược chất cao có thể gây ra ADR tại chỗ, ví dụ: viên nén kali
clorid gây xuất huyết và loét đường tiêu hóa với tỷ lệ cao và hiện nay đã thay thế bằng các
dạng viên giải phóng chậm để tránh tạo nồng độ cao tại chỗ.
Tốc độ giải phóng dược chất cao có thể gây ra ADR toàn thân, loại ADR này thường
gặp ở dạng viên giải phóng kéo dài do ở dạng bào chế này, hàm lượng hoạt chất thường
cao hơn viên thường và một khi viên bị vỡ sẽ tạo ra một nồng độ rất cao gây ADR toàn
thân.
3.2.2. Cách dùng thuốc
Vitamin B1, B12 , C tiêm tĩnh mạch có thể gây choáng phản vệ, nhưng nếu uống các
vitamin đó thì không gặp ADR này. Theophylin dạng thuốc đạn dễ gây co giật ở trẻ em hơn
dạng uống.
- Điều trị nhiều thuốc: tần suất ADR tăng lên theo cấp số nhân với số lượng thuốc
có trong 1 lần điều trị. Tương tác thuốc cũng là một yếu tố làm tăng ADR: tương tác bất lợi
của các thuốc có thể làm thay đổi sinh khả dụng hoặc thay đổi dược lực học của thuốc và
do đó gây ra các ADR trên bệnh nhân.
56