Page 60 - Dược lý - Dược
P. 60
lần tiếp xúc ban đầu. Các triệu chứng bao gồm ngứa, phát ban, nôn do thuốc, phù kèm theo
khó thở đường hô hấp trên hoặc dưới, và hạ huyết áp.
1.4. Phân loại ADR
1.4.1. Phân loại theo tần suất:
- Thường gặp: ADR > 1/100
- Ít gặp: 1/1000 < ADR < 1/100
- Hiếm gặp: ADR < 1/1000
1.4.2. Phân loại theo mức độ
ADR đựơc phân chia theo các mức độ sau:
- Nhẹ: không cần dùng thuốc giải độc, không cần ngừng thuốc.
- Trung bình : cần thay thuốc, nhưng không nhất thiết ngừng thuốc.
- Nghiêm trọng: ảnh hưởng đến tính mạng, phải ngừng thuốc và có biện pháp chống
độc đặc hiệu.
- Chết người: trực tiếp hay gián tiếp gây tử vong.
1.4.3. Phân loại theo phản ứng
ADR được phân loại theo 2 loại phản ứng sau:
1.4.3.1. Phản ứng typ A (Predictable Reaction):
Là loại phản ứng có thể dự đoán trước được dựa trên những tính chất dược lý của
thuốc và thường tăng theo liều dùng. Loại phản ứng này thường hay xảy ra và chiếm khoảng
80% tổng số các phản ứng không mong muốn. Mức độ phản ứng thường nhẹ, ít dẫn tới tử
vong.
1.4.3.2. Phản ứng typ B (phản ứng dị thường – Bizarre Reaction)
Những phản ứng ADR này mang tính đặc ứng (Idiosyncrasy) gây ra bởi tương tác
giữa thuốc với các yếu tố dị thường của cá thể người bệnh mà không hề liên quan đến cơ
chế tác dụng của thuốc. Các phản ứng loại này thường xảy ra với tỉ lệ thấp (khoảng 2%)
song thường nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh.
2. CƠ CHẾ CỦA ADR
Cơ chế dẫn đến các ADR đã được giải thích rõ hơn qua các nghiên cứu về cơ chế
hóa sinh của việc sử dụng thuốc.
Các ADR thuộc typ A thường xảy ra là do:
53