Page 115 - Dược lý - Dược
P. 115
2.5. Các thuốc khác
2.5.1. Zolpidem
Zolpidem hấp thu qua đường uống, chuyển hóa ở gan tạo chất chuyển hóa không
còn hoạt tính. Thời gian bán thải 1,5- 3,5 giờ.
2.5.1.1. Tác dụng và cơ chế
Khác với benzodiazepin (thuốc gắn không chọn lọc vào các receptor BZD1, BZD2
và BZD3), zolpidem gắn chọn lọc chủ yếu trên BZD1 ở thần kinh trung ương. Vì vậy, thuốc
có tác dụng chủ yếu là an thần, gây ngủ, ít có tác dụng giãn cơ và chống động kinh. Thuốc
ít ảnh hưởng tới người bình thường và ít gây lệ thuộc thuốc khi dùng lâu dài. Thuốc chủ
yếu dùng điều trị mất ngủ.
2.5.1.2. Tác dụng không mong muốn
- Trên thần kinh trung ương: buồn ngủ, ngủ lịm, đau đầu, chóng mặt, lú lẫn.
- Trên tiêu hóa: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, táo bón.
2.5.1.3. Chế phẩm và liều dùng
Stilnox, viên 10mg, liều dùng: 10- 20mg/lần.
2.5.2. Buspiron
2.5.2.1. Cơ chế tác dụng
Khác với benzodiazepin và barbiturat, buspiron không tác dụng trực tiếp trên
receptor của GABA mà chủ yếu kích thích từng phần trên receptor của serotonin (5-HT1A).
Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng yếu trên receptor dopaminergic.
Thuốc có tác dụng an thần, chống lo âu nhưng không gây ngủ, không chống co giật
và không có tác dụng giãn cơ. Thuốc cũng không gây hiện tượng lệ thuộc thuốc khi dùng
kéo dài.
Tuy nhiên, thuốc phải được dùng nhiều ngày hoặc hàng tuần mới có tác dụng nên
chủ yếu dùng cho các trường hợp lo âu mạn tính, không dùng cho cơn cấp tính.
2.5.2.2. Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt.
2.5.2.3. Chế phẩm và liều dùng
Khởi đầu 5mg 3 lần/24h, sau đó tăng lên 10mg 3 lần/24h.
2.5.3. Phenytoin (Diphenylhydantoin)
2.5.3.1. Tác dụng và cơ chế
108