Page 27 - Giáo trình môn học Dược lâm sàng
P. 27
+ Các thuốc tan nhiều trong chất béo (griseofulvin), các vitamin tan trong dầu (A, D,
E, K) sẽ hấp thu tốt hơn khi ăn no.
Các thuốc gặp bất lợi khi thời gian lưu tại dạ dày kéo dài:
+ Các thuốc kém bền trong môi trường acid (ampicilin, erythromycin, lincomycin…)
sẽ bị phá hủy và giảm sinh khả dụng
+ Các thuốc bao tan trong ruột (aspirin pH8, omeprazol…), viên giải phóng chậm có
thể bị vỡ màng bao viên, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc khi lưu tại dạ dày kéo dài. Các
thuốc loại này nên uống trước bữa ăn 30 phút – 1 tiếng hoặc sau khi ăn 1 – 2 tiếng.
+ Các thuốc dễ tạo phức với thành phần của thức ăn sẽ bị giảm hấp thu (tetracyclin,
quinolon tạo phức với Ca và một số cation đa hoá trị khác).
2+
3.1.2. Thức ăn ảnh hưởng tới chuyển hoá thuốc
Thuốc có thể ảnh hưởng đến chuyển hoá một số chất trong thức ăn. Thuốc ức chế
enzym mono-amin-oxydase (MAO) như iproniazid có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát
khi ăn thức ăn có nhiều tyramin.
Một số loại thức ăn kích thích enzym chuyển hoá ở gan như thịt ninh, bắp cải, củ cải
nếu ăn một lượng lớn các thức ăn này sẽ làm giảm hoạt tính của một số thuốc như thuốc
chống đông máu, theophylin.
3.1.3. Thức ăn làm thay đổi bài xuất thuốc
Thức ăn khi ăn với một số lượng lớn có thể ảnh hưởng tới pH nước tiểu. Các thuốc
có bản chất base yếu như quinidin, amphetamin... sẽ thải nhanh khi nước tiểu acid; các
thuốc có bản chất acid yếu như sulfamid, aspirin sẽ thải nhanh khi nước tiểu kiềm.
3.1.4. Thức ăn làm thay đổi tác dụng và độc tính của thuốc
Thức ăn ngăn cản sự tiếp xúc của thuốc với bề mặt ống tiêu hóa, làm giảm lượng
thuốc hấp thu vào máu. Do đó với những thuốc tác dụng toàn thân sẽ bị giảm tác dụng
nhưng những thuốc tác dụng tại lòng ruột lại làm tăng tác dụng. Tuy nhiên thức ăn lại làm
giảm đáng kể các tác dụng không mong muốn trên tiêu hóa (kích ứng, loét tiêu hóa, buồn
nôn, nôn) của một số thuốc như: NSAID, quinin, erythromycin…
Thức ăn nhiều muối chứa lượng natri cao sẽ làm tăng tác dụng không mong muốn
của corticoid (gây phù, giữ nước).
Thức ăn chứa nhiều tyramin (phomat, rượu vang đỏ, gan ngỗng, bia…) dùng khi đang
điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm dạng IMAO có thể gây nhanh nhịp tim, tăng
huyết áp kịch phát.
3.2. Ảnh hưởng của đồ uống đến thuốc