Page 107 - Giáo trình môn học Dược lâm sàng
P. 107
SỬ DỤNG HỢP LÝ THUỐC ĐIỀU TRỊ HEN
MỤC TIÊU
1. Trình bày được phân loại các thuốc sử dụng trong điều trị hen.
2. Giải thích được một số nguyên tắc sử dụng thuốc trong điều trị hen.
3. Trình bày được cách sử dụng an toàn hợp lý các thuốc điều trị hen có trong bài học
1. NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ HEN
1.1. Cách dùng thuốc trong điều trị hen
1.1.1. Dạng hít
Ưu điểm của đường dùng này là thuốc được đưa trực tiếp vào đường khí quản theo
đường hít vì vậy có thể đạt được nồng độ cao một cách nhanh chóng tại nơi tác dụng và
đồng thời tránh được các tác dụng toàn thân nguy hiểm. Chỉ khoảng 1% liều khí dung được
hấp thu vào đường toàn thân. 90% liều khí dung bị nuốt vào đường tiêu hóa, không được
hấp thu, thải theo phân (do ít tan trong mỡ).
Khi dùng khí dung, phải lưu ý người bệnh lắc kỹ dung dịch trước khi hít. Sau khi hít
cần giữ chặt môi vào ống hít, hít vào thật chậm và nhịn thở trong 10 giây sau khi hít. Liều
lượng phải được hướng dẫn cụ thể số lượng hít mỗi lần, bao nhiêu lần trong ngày và số lần
tối đa được phép hít trong 24 giờ.
Dung dịch phun mù thường được sử dụng trong điều trị cơn hen cấp nặng. Người
bệnh được hít dung dịch phun mù trong vòng 5 - 10 phút sau đó phải đưa ngay đến bệnh
viện, trên đường đi phải được thở oxy liên tục.
1.1.2. Dạng uống
Thường được sử dụng khi không thể dùng thuốc đường hít vì thuốc dùng đường uống
có thể gây tác dụng không mong muốn toàn thân nhiều hơn đường hít. Thuốc điều trị dùng
uống bao gồm các thuốc cường 2, các corticosteroid và theophyllin.
1.1.3. Dạng tiêm
Thuốc dạng tiêm chỉ được sử dụng trong bệnh viện. Dạng thuốc tiêm được sử dụng
trong điều trị cơn hen cấp khi không thể sử dụng các thuốc dùng đường hít, hoặc ít có đáp
ứng với các thuốc này
1.2. Phác đồ sử dụng thuốc trong điều trị hen
Bảng 29. Phác đồ các thuốc kiểm soát cơn hen theo GINA – 2020