Page 20 - Giáo trình môn học y học cổ truyền
P. 20
BÀI 4: NHẬN ĐỊNH NGƯỜI BỆNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Thời gian: 02 giờ
Mục tiêu học tập
1. Trình bày được nội dung cơ bản của Tứ chẩn (Vọng, văn, vấn, thiết)
2. Áp dụng các nội dung của Tứ chẩn nhận định người bệnh trong các
tình huống giả định.
3. Thể hiện sự cẩn thận, chính xác, trung thực trong quá trình nhận định
người bệnh.
Nhận định điều dưỡng là một quá trình thu thập thông tin có tổ chức và hệ
thống được sử dụng để đánh giá tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh.
Theo y học hiện đại thì việc nhận định người bệnh gồm có quá trình hỏi
bệnh, thăm khám thực thể và tham khảo các kết quả cận lâm sàng.
Theo y học cổ truyền thì việc nhận định, thăm khám người bệnh được gọi
là tứ chẩn. Tứ chẩn gồm bốn phương pháp khám bệnh: vọng chẩn, văn chẩn, vấn
chẩn, thiết chẩn, nhằm thu thập các triệu chứng chủ quan và khách quan của
người bệnh.
1. Vọng chẩn
Vọng là nhìn, quan sát bằng mắt. Nội dung quan sát gồm : thần, sắc, hình
thể, cử động, mắt, môi, da, miệng và lưỡi của người bệnh để biết được tình hình
bệnh tật bên trong của cơ thể phản ánh ra ngoài.
1.1. Xem thần: thần là sự hoạt động về tinh thần, ý thức và sự hoạt động của các
tạng phủ bên trong cơ thể biểu hiện ra ngoài. Khi xem thần cần xác định:
- Thần tốt : tỉnh táo, mắt hoạt sáng, tiếp xúc tốt là bệnh nhẹ, chính khí chưa
tổn thương nhiều, công năng tạng phủ chưa suy, tiên lượng chữa bệnh tốt.
- Thần lạc: ánh mắt đờ đẫn hoặc sáng quắc, cười nói bất thường.
- Thần yếu : Vẻ mặt u tối, tiếp xúc chậm chạp, lờ đờ, thờ ơ, lãnh đạm, nói
không có sức.. là bệnh nặng, chính khí đã suy, chữa bệnh khó khăn và lâu dài.
- Hiện tượng giả thần (hồi quang phản chiếu): bệnh nặng đột nhiên tỉnh táo
mắt sáng, minh mẫn là dấu hiệu nguy kịch, chính khí sắp thoát, sắp tử vong.
20