Page 16 - Giáo trình môn học y học cổ truyền
P. 16
BÀI 3: NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Thời gian: 01 giờ
Mục tiêu học tập
1. Trình bày được nội dung của ba nhóm nguyên nhân gây bệnh theo
y học cổ truyền
2. Phân biệt được một số nguyên nhân gây bệnh trên 1 số tình huống
giả định
Bình thường cơ thể có sức chống đỡ với bệnh tật và có khả năng tự điều
chỉnh hoạt động của các tạng phủ, khả năng đó là do chính khí của cơ thể. Khi
chính khí suy yếu thì tà khí (tác nhân gây bệnh) xâm nhập vào cơ thể, sinh ra
bệnh tật.
Y học cổ truyền chia ra nguyên nhân gây bệnh thành ba nhóm :
- Ngoại nhân: nguyên nhân gây bệnh bên ngoài cơ thể.
- Nội nhân: nguyên nhân gây bệnh bên trong cơ thể.
- Bất nội ngoại nhân: những nguyên nhân khác ngoài hai nhóm trên.
1. Ngoại nhân (Nguyên nhân bên ngoài)
Là những yếu tố về thời tiết và khí hậu bất thường hoặc vượt quá khả
năng tự điều chỉnh của cơ thể.
Có sáu loại tà khí gọi là lục dâm gồm: phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả.
1.1. Phong
Là dương tà, chủ khí của mùa xuân, là nguyên nhân hay gặp nhất (phong
dẫn đầu trăm bệnh) và thường kết hợp với các tà khí khác như hàn, nhiệt, thấp.
* Đặc tính của phong:
- Hay đi lên và ra ngoài nên thường gây bệnh ở phần trên và phần ngoài cơ
thể.
- Phát bệnh nhanh, lui bệnh nhanh.
- Bệnh thường di chuyển từ nơi này qua nơi khác như thấp khớp cấp (phong
thấp nhiệt) hoặc mày đay, mẩn ngứa (phong chẩn).
- Hay gây hắt hơi, sổ mũi, sợ gió, mẩn ngứa, co giật.
16