Page 25 - Giáo trình môn học Tâm ly-Giao tiếp-Giáo dục sức khỏe
P. 25
Bước sang độ tuổi này, khả năng vận động của trẻ tăng lên, trẻ chủ động
trong việc đi lại của mình, chủ động tìm hiểu thế giới xung quanh, rất say sưa
trong các trò chơi và luôn đặt câu hỏi tại sao?
Ngôn ngữ của trẻ ngày càng phát triển, chúng bắt đầu biết nghe và kể lại
được cốt truyện.
Trong quan hệ tình cảm với người khác, trẻ bắt đầu biết nhường nhịn (nhận
ra bố hay mẹ không phải của riêng mình…), bắt đầu biết nhận ra vai trò, vị trí
của mình. Cái “tôi” vừa hình thành và bắt đầu nhận thức được về giới tính. Cuối
giai đoạn này trẻ đã trưởng thành rất nhiều và chuẩn bị về mọi mặt để bước
sang tuổi đi học.
* Những rối nhiễu tâm lý:
Trẻ có thể xuất hiện cảm giác tự ti, mặc cảm tội lỗi, xa lánh mọi người
trong trường hợp môi trường giáo dục không tốt, hoạt động bị kiềm chế. Xuất
hiện mặc cảm Edip: con trai yêu mẹ, con gái yêu bố.
1.9.2.4. Tuổi thiếu nhi
* Những đặc điểm tâm lý:
@ Đặc điểm hoạt động nhận thức:
Do hệ thần kinh phát triển và môi trường hoạt động mở rộng, phong phú
hơn nên tri giác của trẻ nhạy bén và có tổ chức tốt hơn. Ở lứa tuổi này thị giác
và thính giác của trẻ rất phát triển, định hướng tốt, định vị những vật có hình
dáng và màu sắc khác nhau.
Trí nhớ và tư duy phát triển (cả trí nhớ không chủ định và trí nhớ có chủ
định). Biết lĩnh hội nền tảng tri thức và phương pháp, công cụ nhận thức.
Tư duy của trẻ chủ yếu vẫn mang tính chất trực quan hành động tức là
thông qua hành động trên vật thật, mô hình, hình ảnh, thông qua biểu tượng của
trí nhớ mà học sinh giải quyết các bài toán, các vấn đề. Ví dụ: dùng que tính,
dùng các loại quả để cộng trừ… Lứa tuổi này chưa có khả năng phân biệt các
dấu hiệu và chưa hiểu được bản chất của sự vật. Đến khoảng cuối cấp I các em
mới có thể khái quát được các dấu hiệu, đặc điểm, bản chất của các đối tượng
thông qua sự phân tích và tổng hợp bằng trí tuệ.
Về ngôn ngữ đã phát triển rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Các em đã
lĩnh hội được một số khái niệm khoa học trừu tượng.
18