Page 39 - Giáo trình môn học chăm sóc sức khỏe cộng đồng
P. 39
được sử dụng khi không đủ điều kiện và không cần thiết phải phỏng vấn trực tiếp.
Trong thực tế, đôi khi phải kết hợp cả 2 hình thức.
3.2.2. Thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm (Focused Group Discussion - FGD): người dẫn dắt/điều
hành có chủ đích để thu nhận ý kiến của người dân về một chủ đề nhất định. Đây
là một kĩ thuật thu thập thông tin cơ bản thường được sử dụng để tìm hiểu nhận
thức của cộng đồng về bệnh tật, các hành vi sức khoẻ của cộng đồng, thái
độ/niềm tin của người dân đối với một chương trình y tế nào đó, những ý kiến đề
xuất hay kiến nghị của họ nhằm cải thiện một vấn đề nào đó…
Thông qua thảo luận, câu trả lời mà từng cá nhân đưa ra có thể được xem
xét, so sánh, đối chiếu với những câu trả lời từ các thành viên khác, do vậy kỹ
thuật này ngoài khả năng thu nhận ý kiến của từng cá thể đơn lẻ còn có khả năng
ghi nhận những thông tin/ý kiến đã được nhất trí hay chốt lại từ quá trình thảo
luận của một nhóm người. Qua đó có thể thu được những thông tin đa dạng và
sâu sắc về một chủ đề nào đó.
* Ưu điểm:
- Tìm hiểu những hành vi được coi là chuẩn (bởi cộng đồng), những từ
mang tính địa phương, hay một lối sống/hành vi đặc trưng của một địa
phương nào đó.
- Có cơ hội nghe được những quan điểm bất ngờ, những ý kiến được xây
dựng trên cơ sở thảo luận của nhóm.
- Có ưu thế trong thu nhận ý kiến đánh giá/nhận xét/phản hồi của người dân
về các dịch vụ/chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
* Một số lưu ý trong thảo luận nhóm:
- Chọn địa điểm trung tính (không ảnh hưởng đến cảm xúc/không gây cảm
giác xa lạ với những người tham dự), đủ chỗ ngồi, tiện lợi.
- Chọn người tham gia theo mục tiêu, với số người tham gia phù hợp là
khoảng 6-12 người.
39