Page 34 - Giáo trình môn học chăm sóc sức khỏe cộng đồng
P. 34
từ người dân (đối tượng đích). Mỗi biện pháp thu thập thông tin đều có những ưu
điểm và hạn chế riêng.
3.1. Thu thập thông tin có sẵn
Thu thập thông tin sẵn có bao gồm hồi cứu các sổ sách ghi chép, các bệnh
án, các báo cáo điều tra dân số, nhân khẩu, báo cáo của các ban ngành, các tổ
chức phi chính phủ, sổ sách y tế, tài liệu đã xuất bản hoặc chưa công bố từ các
nguồn trong và ngoài nước, bao gồm cả từ internet. Hồi cứu cũng bao gồm cả việc
sử dụng các tư liệu ảnh, vật thể là các bằng chứng của một sự vật hay hiện tượng đã
xảy ra. Nguồn số liệu sẵn có rất đa dạng, gồm:
- Sổ sách, tài liệu, nguồn dữ liệu (sổ khám bệnh, sổ sách quản lý hoạt động
khám chữa bệnh, dữ liệu quản lý hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở
y tế, sổ sách/dữ liệu quản lý về nhân khẩu, các quy định/văn bản của cơ
quan công quyền…).
- Các bản báo cáo (luận văn/luận án, báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học các
cấp, báo cáo đánh giá đầu kì/giữa kỳ/cuối kỳ của một chương trình/dự án,
các báo cáo thường kỳ/đột xuất của các cơ sở y tế…)
- Các bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành
- Sách, giáo trình
- Thông tin/bài viết từ các nguồn chính danh và đáng tin cậy (trang web của
bộ y tế/các sở y tế/các viện, trang web của các trường….)
Trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người ta thường sử dụng thông tin sẵn
có khi muốn nghiên cứu xu hướng của một bệnh/vấn đề sức khỏe hoặc để tìm hiểu
nguyên nhân của một vấn đề sức khỏe hiện tại. Ví dụ, có thể dựa vào sổ khám chữa
bệnh ở trạm y tế xã trong 5 năm trước đó để phát hiện chiều hướng gia tăng của một
bệnh nào đó của người dân ở xã này.
Ưu điểm: Kỹ thuật này có thể thu thập được những thông tin từ những thời
điểm trước nghiên cứu. Thông tin có thể thu được từ nhiều năm, nhiều nguồn
khác nhau. Vì vậy có thể xem xét được diễn biến của vấn đề nghiên cứu qua thời
34