Page 44 - Tâm lý trị liệu
P. 44
những quyết định của chính bản thân. Cùng với sự tự do lựa chọn, chúng ta
còn có gánh nặng của trách nhiệm, vì khi người ta không nhận thức đầy đủ về
toàn bộ mục tiêu, cách thức và hậu quả của hành động thì dễ cảm thấy lo âu,
thất vọng. Mỗi người cũng dễ mặc cảm và đau khổ về tội lỗi đã bỏ qua những
cơ hội để thực hiện toàn bộ tiềm năng của mình.
Các liệu pháp nhân văn – hiện sinh được phát triển để giúp thân chủ
xác định tính tự do của riêng họ, giúp họ đánh giá lại những kinh nghiệm và
nhận ra sự phong phú về khả năng của bản thân, nuôi dưỡng tính độc lập,
lòng tự tin và phát hiện những cách thức để thực hiện đầy đủ nhất những tiềm
năng của chính mình.
2. Những kiểu trị liệu nhân văn hiện sinh điển hình
a. Trị liệu tập trung vào cá nhân (hay trị liệu hướng vào thân chủ):
Lý thuyết Phân tâm của S.Freud hình thành dựa trên những quan sát
của ông trên những bệnh nhân có rối loạn tâm thần. Những ý kiến phê phán
học thuyết này cho rằng liệu những kết luật rút ra từ những quan sát này có
thể áp dụng cho những rối nhiễu tâm trí ở mức nhẹ?
Một câu hỏi khác là liệu có hợp lý khi nhà trị liệu – nhà phân tâm được
tham khảo với tư cách là chuyên gia, lại ít có những hiểu biết về điều kiện
phát sinh và duy trì rối nhiễu của người bệnh. Trong khi chính thân chủ mới là
người biết rõ nhất những vấn đề vướng mắc, những trải nghiệm bất thường
của họ. Điều này thúc đẩy nhà trị liệu nhân văn Carl Rogers phát triển cách
tiếp cận trị liệu mới, nhấn mạnh đến các giá trị nhân văn và nhấn mạnh đến
sự trải nghiệm có ý thức của từng cá nhân.
Cách tiếp cận của Rogers giả thiết rằng mỗi người đều sở hữu những
tiềm năng cho sự lớn lên, tiềm năng cho những hành vi có hiệu quả và có
khuynh hướng tự hiện thực hoá những tiềm năng của mình. Sở dĩ một cá
nhân nào đó phát triển những hành vi kém thích nghi là do sự tập nhiễm
những mẫu ứng xử sai lệch. Do vậy, mục tiêu chủ yếu của cách tiếp cận này
không phải là chữa trị cho thân chủ, hoặc là tìm kiếm những nguyên nhân từ