Page 64 - Dược liệu
P. 64
Kiểm nghiệm dược liệu
Dược liệu được kiểm nghiệm theo DĐVN IV (tr. 867)
Tác dụng và công dụng
Saponin toàn phần của Rau má có tác dụng tăng tổng hợp collagen I và
fibronectin. Tác dụng này có thể giải thích được tác dụng chóng làm lành vết thương
của Rau má.
Dịch chiết Rau má có tác dụng làm lành các vết loét dạ dày gây ra bởi acid acetic
trên động vật thử nghiệm .
Cao chiết cồn 70% của Rau má có tác dụng chống co giật đường tiêm phúc mạc
trên chuột thử nghiệm. Saponin của Rau má có tác dụng chống trầm cảm.
Y học hiện đại sử dụng Rau má và saponin toàn phần trong Rau má trong điều trị
bỏng độ II và III, vết thương và các tổn thương ngoài da. Nó cũng được dùng để ngăn
ngừa sự sừng hóa tạo sẹo lồi. Dịch chiết được dùng ngoài để tăng cường sự lành vết
thương sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật. Sử dụng đường uống Rau má có tác
dụng điều trị loét dạ dày - tá tràng do stress.
Rau má được sử dụng trong điều trị các vết loét do bệnh phong, eczema, các rối
loạn tĩnh mạch. Rau má cũng có tác dụng giảm viêm ứ ở bệnh nhân xơ gan.
Trong y học cổ truyền các nước, Rau má được sử dụng trong điều trị nhiều loại
bệnh khác nhau. Nhân dân ta dùng Rau má làm rau sống để ăn. Nước Rau má là loại
nước giải khát phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Kinh nghiệm nhân dân cho rằng Rau má
có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng để chữa sốt, rôm sảy, mẩn ngứa, các
bệnh về gan, thổ huyết, đi lỏng, lỵ, viêm họng, viêm phế quản, viêm đường tiết niệu.
Trong đời sống, Rau má thường được dùng tươi làm nước giải khát, chế biến các
nước sâm mát cùng với các dược liệu khác hay dùng làm rau xanh. Dược liệu được
dùng tươi bằng cách xay với nước sôi để nguội, lọc lấy dịch, thêm đường để uống.
Ngày dùng 30 - 40g.