Page 177 - Hóa dược
P. 177
Chương 9. THUỐC KHÁNG SINH VÀ THUỐC KHÁNG
KHUẨN
Mục tiêu học tập
1. Vẽ được công thức cấu tạo chung của các nhóm kháng sinh penicillin,
cephalosporin, nhóm thuốc kháng khuẩn quinolon và sulfamid. Mô tả được đặc điểm
cấu tạo của các nhóm kháng sinh aminosid, macrolid, lincosamid, tetracyclin,
rifamycin và các kháng sinh polypeptid…).
2. Trình bày được tính chất lý hóa học chung của các nhóm kháng sinh beta-lactam,
aminosid, macrolid, lincosamid, tetracyclin, cloramphenicol và thuốc kháng khuẩn
quinolon, sulfamid cùng ứng dụng của chúng trong kiểm nghiệm, bảo quản.
3. Trình bày được phổ tác dụng và chỉ định chung của các nhóm thuốc kháng sinh,
kháng khuẩn trong chương.
4. Trình bày được tính chất lý hóa và phương pháp kiểm nghiệm một số thuốc chính
trình bày trong chương. Nêu được phổ tác dụng và chỉ định chính của các thuốc này.
MỞ ĐẦU
Lịch sử ra đời của kháng sinh
Alexander Fleming là người phát hiện ra khả năng kháng khuẩn của nấm
Penicillinum notatum năm 1929, mở đầu cho nghiên cứu và sử dụng kháng sinh trong
điều trị. Năm 1937, với sự cộng tác của hai nhà khoa học Mỹ là Florey và Chain, cấu trúc
của penicillin G, dẫn chất đầu tiên trong nhóm kháng sinh -lactam được xác định và năm
1945 penicillin G được chính thức phê duyệt đưa ra thị trường. Từ đó việc nghiên cứu và
sản xuất kháng sinh không ngừng phát triển, tạo ra nhiều thuốc hiệu quả trong điều trị các
bệnh nhiễm khuẩn. Cho đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về kháng sinh.
Năm 1942, Waksman đã định nghĩa:"Một chất kháng sinh hay một hợp chất có
tính kháng sinh là một chất do các vi sinh vật sản xuất ra, có khả năng ức chế sự phát triển
hoặc thậm chí tiêu diệt các vi khuẩn khác".
Năm 1950 Baron bổ sung "Kháng sinh là những chất được tạo ra bởi những cơ thể
sống, có khả năng ức chế sự phát triển hay sự tồn tại của một hay nhiều chủng vi sinh vật
ở nồng độ thấp".
Hiện nay giới y học quan niệm kháng sinh: "Kháng sinh là những chất tạo thành
do chuyển hoá sinh học, có tác dụng ngăn cản sự tồn tại hoặc phát triển của vi sinh vật ở
nồng độ thấp, được sản xuất bằng sinh tổng hợp hoặc tổng hợp theo mẫu của các kháng
sinh tự nhiên”. Theo quan niệm này thì các thuốc thuộc nhóm quinolon và sulfamid
không được gọi là kháng sinh vì chúng không có nguồn gốc thiên nhiên, chúng được gọi
là các thuốc kháng khuẩn tổng hợp.
Phân loại
169