Page 76 - Giáo trình môn học đại cương hộ sinh
P. 76
Việc đặt ra mục tiêu và kết quả mong đợi sẽ giúp bạn đưa ra các giải pháp mang
tính khả thi và sau khi vấn đề được giải quyết sẽ giúp bạn đánh giá xem kết quả thực hiện
có đáp ứng được mục tiêu ban đầu đề ra không.
Mục tiêu và kết quả mong đợi phải viết sao cho đo lường được, lượng hóa được.
3.4. Chọn giải pháp và hoạt động ưu tiên
Sau khi đã tìm hiểu được nguyên nhân gốc của vấn đề và kết quả mong đợi, nhà
quản lý sẽ đưa ra những giải pháp và hoạt động theo từng giải pháp. Sau đó cân nhắc lựa
chọn những giải pháp tối ưu và phù hợp nhất để giải quyết vấn đề. Sự động não và sáng
tạo sẽ giúp nhà quản lý tìm được giải pháp đôi khi hơn cả mong đợi. Cần lưu ý là một
giải pháp tối ưu phải đáp ứng được ba yếu tố: giải quyết vấn đề dài lâu, có tính khả thi, và
có tính hiệu quả.
Sau khi đã đề ra được các giải pháp tối ưu, ứng với mỗi giải pháp bạn cần đưa ra
các hoạt động tương ứng bằng cách đặt ra các câu hỏi như sau:
- Các giải pháp sẽ được thực hiện như thế nào và hoạt động nào là tốt nhất?
- Chúng sẽ đáp ứng được mục tiêu và kết quả mong đợi đến mức độ nào?
- Phí tổn (về tài chính, thời gian, công sức…) cho việc áp dụng mỗi giải pháp là
bao nhiêu?
- Giải pháp nào tốt hơn, giải pháp nào tốt nhất?
3.5. Thực thi giải pháp lựa chọn
Khi bạn tin rằng mình đã hiểu được vấn đề và biết cách giải quyết nó, bạn có thể
bắt tay vào thực hiện các hoạt động để tạo nên sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Để
đảm bảo các giải pháp được thực thi hiệu quả, bạn cần phải xây dựng thành kế hoạch
triển khai, xác định ai là người có liên quan, ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc
thực thi giải pháp và các hoạt động, thời gian để thực hiện là bao lâu, những nguồn lực
cần có để thực hiện là gì?
Trong quá trình triển khai thực hiện bạn cần phải giành thời gian để điều phối các
nguồn lực, hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh, đồng thời kiểm tra bảo đảm các hoạt
động được thực hiện đúng tiến độ và các nguồn lực được sử dụng hiệu quả.
3.6. Đánh giá kết quả và tiếp tục cải tiến
Sau khi kế hoạch giải quyết vấn đề đã được triển khai thực hiện, bạn cần đánh giá
xem cách giải quyết đó có tốt không, có đạt được mục tiêu đề ra không và việc giải quyết
vấn đề đó có phát sinh những hệ lụy cần tiếp tục giải quyết không.
Để đánh giá kết quả giải quyết vấn đề bạn cần sử dụng các phương pháp như:
phỏng vấn những người có liên quan, quan sát tại chỗ, thực hiện các đo lường, thu thập
và phân tích số liệu.
Trên cơ sở kết quả đánh giá bạn xác định xem vấn đề đã được giải quyết chưa và
có cần tiếp tục cải tiến để giải quyết triệt để hơn không hay bạn đã hài lòng với các kết
quả đạt được.
Trên thực tế, không phải lúc nào vấn đề cũng được giải quyết sau khi thực hiện.
Nếu kết quả thực hiện không được như mong muốn có thể phải xem lại từ đầu từ bước
xác định nguyên nhân, đến việc đưa ra mục tiêu và các giải pháp cũng như quá trình thực
hiện các giải pháp. Những bài học rút ra từ những thất bại sẽ giúp bạn tránh được những
sai sót ở những vấn đề khác lần sau.