Page 30 - Sự hình thành bệnh tật và sự phục hồi
P. 30
có liên kết chặt chẽ. Vì vậy các loại thuốc sau khi uống hấp thu chậm hơn
nhiều so với sau khi tiêm.
2.1.2. Hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa
Khi đặt dưới lưỡi, thuốc sẽ nhanh chóng hấp thu thẳng vào vòng tuần
hoàn chung trước khi qua gan nên ít bị chuyển hóa trước khi phát huy tác
dụng và không bị phá hủy bởi dịch tiêu hóa. Thuốc ít hấp thu ở dạ dày vì
niêm mạc dạ dày có hệ thống mao mạch ít phát triển và thời gian lưu thuốc ở
dạ dày không lâu. Có một số thuốc hấp thu qua dạ dày khi đói dễ hơn khi no.
Niêm mạc ruột non là nơi hấp thụ thuốc tốt nhất vì ở đó có nhiều nhung
mao nên có diện tiếp xúc với thuốc lớn, hệ thống mao mạch phát triển phong
phú.
Hấp thu thuốc qua trực tràng tương đối tốt do thuốc nhanh chóng đạt
nồng độ cao trong máu, tránh được sự phân hủy thuốc bởi dịch tiêu hóa vì vậy
thường dùng khi không sử dụng được đường uống. Tuy nhiên dùng đường
này thuốc hấp thu không hoàn toàn, có thể gây kích ứng niêm mạc hậu môn.
Các dạng thuốc đạn được đặt ở trực tràng có tác dụng toàn thân như thuốc
ngủ, hạ sốt, giảm đau...
2.1.3. Hấp thu thuốc qua đường tiêm
- Tiêm dưới da là đưa thuốc vào mô liên kết lỏng lẻo dưới lớp bì, thuốc
được hấp thu chậm và đau hơn tiêm bắp vì hệ thống mao mạch dưới da ít hơn
ở cơ, ngọn dây thần kinh cảm giác dưới da nhiều hơn ở cơ. Đây là đường
dùng chủ yếu của các vaccin.
- Tiêm bắp thịt là đưa thuốc vào cơ, thuốc được hấp thu nhanh hơn tiêm
dưới da vì hệ thống mạch máu trong cơ vân phát triển nên thuốc hấp thu vào
máu nhanh.
- Tiêm tĩnh mạch là đưa thuốc trực tiếp vào máu nên tác dụng của
thuốc xuất hiện rất nhanh. Áp dụng đường đưa thuốc qua tĩnh mạch phải cẩn
thận vì dễ gây tai biến như trụy tim mạch, sốc... Một số dạng thuốc không
được tiêm tĩnh mạch như: hỗn dịch, dầu thuốc.
30