Page 336 - Dược lý - Dược
P. 336
Vitamin B12 còn được dùng để điều trị một số bệnh thần kinh như đau dây thần kinh
tọa, đau dây thần kinh cổ - cánh tay, đau do các bệnh thần kinh.
2.2.3. Tác dụng không mong muốn
Các phản ứng dị ứng do miễn dịch tuy hiếm, nhưng đôi khi rất nặng có thể gây chết
người sau khi tiêm các chế phẩm có cobalamin như: phản vệ, sốt, phản ứng dạng trứng cá,
mày đay, ngứa, đỏ da.
2.2.4. Chống chỉ định
Có tiền sử dị ứng với các cobalamin (vitamin B12 và các chất liên quan)
U ác tính: do vitamin B12 làm tăng trưởng các mô có tốc độ sinh trưởng cao, nên có
nguy cơ làm u tiến triển; người bệnh cơ địa dị ứng (hen, eczema).
2.2.5. Cách dùng, liều dùng
Vitamin B12 có ở dạng nguyên chất để tiêm (tiêm bắp, dưới da sâu nhưng không bao
giờ tiêm tĩnh mạch) hoặc uống, hoặc ở dạng phối hợp với các vitamin khác và muối khoáng
để uống hoặc tiêm.
Thiếu vitamin B12 ở người lớn: tiêm bắp hoặc dưới da 30 mcg/ngày trong 5 - 10
ngày. Liều duy trì hàng tháng: tiêm bắp 100 - 200 mcg/1 lần.
Thiếu vitamin B12 ở trẻ em: tiêm bắp hoặc dưới da 1-5mg, cho tiêm 1 lần 100mcg
trong vòng 2 tuần hoặc hơn. Để duy trì, tiêm bắp hoặc dưới da ít nhất 60mcg mỗi tháng.
Trong thiếu máu ác tính hoặc cắt bỏ hoàn toàn dạ dày hoặc cắt bỏ rộng hồi tràng,
tiêm bắp 100 - 200mcg, mỗi tháng 1 lần, việc bổ sung bằng đường tiêm phải duy trì suốt
đời.
2.3. Acid folic
Vitamin B9; Vitamin L1
Viên nén hoặc dung dịch 0,4; 0,8; 1mg hay phối hợp với các loại vitamin khác.
2.3.1. Tác dụng
Acid folic là yếu tố không thể thiếu cho tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu.
Acid folic còn tham gia vào một số biến đổi acid amin.
Thuốc hấp thu qua đường tiêu hóa và tích trữ chủ yếu ở gan, thải trừ qua nước tiểu,
nhau thai và sữa mẹ.
329