Page 18 - Giáo trình môn học Tâm ly-Giao tiếp-Giáo dục sức khỏe
P. 18
* Khí chất (loại hình thần kinh):
Khí chất quy định động thái của hoạt động tâm lý con người, quy định sắc
thái thể hiện đời sống tinh thần của họ.
Khí chất là thuộc tính tâm lý phức hợp của cá nhân, biểu hiện cường độ,
tốc độ, nhịp độ của các hoạt động tâm lý thể hiện sắc thái hành vi, cử chỉ, cách
nói năng của cá nhân.
Trong thực tế, người ta chia khí chất làm 4 loại: nóng nảy, hăng hái, bình
thản, u sầu. Mỗi kiểu khí chất đều có mặt mạnh và mặt yếu. Trên thực tế, ở con
người có những loại khí chất trung gian bao gồm nhiều đặc tính của bốn loại
khí chất trên.
Khí chất của cá nhân có cơ sở sinh lý thần kinh nhưng khí chất mang bản
chất xã hội, chịu sự chi phối của các đặc điểm xã hội, biến đổi do rèn luyện và
giáo dục.
1.8.3. Cơ chế của sự hình thành nhân cách:
1.8.3.1. Những yếu tố thuận lợi
* Vai trò của yếu tố bẩm sinh di truyền:
Yếu tố bẩm sinh di truyền có ảnh hưởng nhất định tới việc hình thành và
phát triển nhân cách. Song đây chỉ là tiền vật chất chứ không giữ vai trò quyết
định.
* Vai trò của hoàn cảnh sống:
Hoàn cảnh sống là toàn bộ môi trường xung quanh (tự nhiên và xã hội)
trong đó cá nhân sống và hoạt động.
Có ý kiến cho rằng hoàn cảnh sống quyết định tâm lý, nhân cách, gạt bỏ
tính tích cực, chủ động của chủ thể, của con người, nhưng thực tế thì hoàn cảnh
sống chỉ có ảnh hưởng lớn đối với các đặc điểm tâm lý, thuộc tính tâm lý chứ
không giữ vai trò quyết định.
1.8.3.2. Yếu tố quyết định đối với sự hình thành nhân cách.
Trong cuốn sách “hoạt động, ý thức, nhân cách” của nhà tâm lý học nổi
tiếng Xô Viết A.N.Leonchiep đã chỉ ra rằng: nhân cách không phải được đẻ ra
mà được hình thành - nhân cách được hình thành theo cơ chế lĩnh hội.
11