Page 30 - Giáo trình môn học sức khỏe môi trường dịch tễ
P. 30
2. Ô nhiễm không khí.
Không khí tự nhiên là hỗn hợp khí tự nhiên không màu, không mùi, chủ
yếu là nitơ (78%), oxy (21%), 1% còn lại chủ yếu là khí argon (0,93%), khí
carbon dioxyd (0,032%) và dạng vết các khí neon, heli, ozon, xenon, hydro,
metal, kripton và hơi nước.
Khi bất kỳ chất nào được thêm vào hỗn hợp khí tự nhiên này là ô nhiễm
không khí sẽ xảy ra. Nói một cách khác, ô nhiễm không khí là kết quả của việc thải
các chất độc hại vào không khí ở một tỷ lệ vượt quá khả năng của khí quyển (mưa,
gió) trong việc chuyển đổi, phân huỷ và hoà tan các chất độc này.
Ô nhiễm không khí là một hệ thống lý học và hoá học hết sức phức tạp. Nó
có thể được coi là một số chất khí và hạt được hoà tan hoặc lơ lửng trong không
khí. Rất nhiều chất ô nhiễm không khí có thể phản ứng với nhau, tạo ra một số
hậu quả xấu. Mức độ trầm trọng của ô nhiễm không khí thay đổi theo mùa, theo
ngày, theo các hoạt động công nghiệp, theo thay đổi trong giao thông, thay đổi
theo lượng mưa và tuyết. Thành phần của ô nhiễm không khí biến đổi từ ngày
này sang ngày khác, từ tuần này sang tuần khác, nhưng thường có khuynh
hướng theo một chu kỳ.
2.1. Khái niệm ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí xảy ra khi trong không khí xuất hiện các chất ô nhiễm,
các chất này ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ hoặc sự thoải mái của con người, động
vật hoặc có thể dẫn đến nguy hại đối với thực vật và các vật chất khác.
Chất ô nhiễm là một chất có trong khí quyển ở nồng độ cao hơn nồng độ
bình thường của nó hoặc chất đó thường không có trong không khí. Chất ô
nhiễm không khí có thể có nguồn gốc thiên nhiên như SO 2, buị sinh ra từ các núi
lửa, các khí oxyt cacbon (CO, CO 2), oxyt ni tơ (NO x) hoặc nhân tạo do phát
triển của một số ngành công nghiệp, giao thông, hoạt động sinh hoạt của con
người gây nên.
26