Page 38 - Giáo trình môn học nghiên cứu khoa học
P. 38
Ví dụ: Để chọn mẫu là các bệnh nhân đến khám ở một phòng khám, người
ta có thể chọn bằng các cách sau (trong khi không có danh sách của các bệnh
nhân):
- Tất cả các bệnh nhân đến phòng khám vào ngày thứ ba trong tuần sẽ
được tham gia vào nghiên cứu.
- Bệnh nhân đến khám ngày lẻ sẽ vào nhóm một, đến ngày chẵn sẽ vào
nhóm hai để phục vụ cho một thử nghiệm nào đó.
- Các cá thể trong mẫu được chọn cho một nghiên cứu đứng vòng tròn, sau
đó đếm lần lượt 1, 2, 3; l, 2, 3, ... cho đến hết. Người đếm số 1 đầu tiên phải
được chọn ngẫu nhiên. Các cá thể đếm số 1 sẽ vào nhóm 1, số 2 vào nhóm 2, số
3 vào nhóm 3.
* Nhược điểm:
Khi việc sắp xếp khung mẫu có một quy luật nào đó tình cờ trùng với
khoảng chọn mẫu hệ thống, các cá thể trong mẫu có thể thiếu tính đại diện.
Ví dụ: Để ước tính lượng bệnh nhân trung bình đến khám tại một cơ sở y tế
trong một ngày, khung mẫu là 365 ngày, nếu khoảng cách mẫu là 7 thì xảy ra
tình huống ngày khảo sát là ngày cố định trong tuần, điều này làm cho mẫu trở
nên không đại diện.
1.2.3. Mẫu ngẫu nhiên phân tầng
Là mẫu đạt được bởi việc phân chia các cá thể của quần thể nghiên cứu
thành các nhóm riêng rẽ được gọi là tầng. Quá trình chọn mẫu được thực hiện
độc lập trong từng tầng. Ở mỗi tầng, từng cá thể được chọn ngẫu nhiên đơn
hoặc ngẫu nhiên hệ thống.
* Quy trình:
Bước 1: Phân chia quần thể nghiên cứu thành các tầng khác nhau dựa vào
một hoặc vài đặc điểm nào đó như nhóm tuổi, giới, tầng lớp xã hội, dân tộc,...
Giữa các tầng không có sự chồng chéo.
Bước 2: Xác định cỡ mẫu cho mỗi tầng (nên theo tỉ lệ kích cỡ các tầng)
38