Page 92 - Giáo trình môn học Ký sinh trùng
P. 92
2.3. Đặc điểm dịch tễ
2.3.1. Phân bố của bệnh
2.3.1.1. Trên thế giới
Fasciola hepatica được Linnaeus tìm ra năm 1758 và F. gigantica được
Cobbold tìm ra năm 1856 tại Nhật Bản. F. hepatica lưu hành ở Triều Tiên, Tân
Ghine, Tây Iran và một số vùng Nhật Bản, vật chủ trung gian là ốc Lymnaea
trumcatula hoặc L. viridis.
F. gigantica lưu hành ở Thái Lan, Malaysia, Singapor và Indonesia, vật chủ
trung gian là ốc L. rubiginosa.
Cả hai loài phân bố ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Lào, Campuchia
và Philippines.
Sán lá gan lớn có mặt ở mọi nơi trên thế giới. Theo nghiên cứu của Coma
và cộng sự (2007) cho thấy, hầu hết các châu lục, không phân biệt tuổi tác, giới
tính, chủng tộc và địa lý, từ đồng bằng, miền biển đến thung lũng, miền núi xa
xôi... đều có sự hiện diện của sán lá gan lớn.
2.3.1.2. Tại Việt Nam
F. gigantica được Codnelle và cộng sự thông báo năm 1928. Đến nay, đã
phát hiện 52 tỉnh có người bị nhiễm sán lá gan lớn với hơn 20.000 người nhiễm
bệnh (Nguyễn Văn Đề, 2012). Miền Bắc các tỉnh có nhiều người nhiễm nhất là:
Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An. Miền Nam các tỉnh có nhiều người nhiễm là Bình
Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai.
2.3.2. Một số yếu tố nguy cơ trong dịch tễ học bệnh sán lá gan lớn
- Tập quán ăn sống rau thuỷ sinh: Hầu hết người dân đều có ăn sống rau
thuỷ sinh tại các vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Một điều tra tại huyện
Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà năm 2002 cho thấy tỷ lệ ăn sống rau thuỷ sinh trong
cộng đồng 99%.
- Rau thuỷ sinh bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn: nhiều loài rau thuỷ sinh
đã phát hiện có ấu trùng sán lá gan lớn như rau ngổ, cải soong, rau cần, rau rút,
rau răm, cải xanh, rau muống, rau dấp cá...
89