Page 128 - Giáo trình môn học Y học hạt nhân xạ trị
P. 128
Điều tưởng như đơn giản như khung đỡ đầu gối, giá đỡ mắt cá chân trong điều trị
khối u vùng khung chậu cũng không nên bỏ qua.
Mỗi cơ sở xạ trị nên tự xây dựng quy cách thu nhận hình ảnh cho từng bộ
phận khác nhau của cơ thể với những loại khối u thường gặp. Nếu điều này
không được xác lập thì trong từng trường hợp nên có sự trao đổi, bàn bạc giữa
các nhà chuyên môn như bác sỹ xạ trị, kỹ sư vật lý, bác sỹ chẩn đoán hình ảnh
v.v.. Điều này là cần thiết bởi vì nó có lợi cho bước lập kế hoạch điều trị tiếp
theo.
Hình ảnh chụp CT
Với nhiều loại vị trí khối u khác nhau, những hình ảnh chụp CT sẽ giúp cho
việc xác định chính xác các thông số như kích thước cũng như vị trí của nó.
Những hình ảnh được thực hiện trên CT dùng cho quá trình lập kế hoạch điều trị
phải sao cho càng sát thực tế càng tốt, nghĩa là phải đầy đủ những gì sẽ dùng trên
máy điều trị. Chẳng hạn các dụnh cụ cố định, giá đỡ chân tay, khung trợ giúp tư
thế bệnh nhân, mặt bàn CTSim, hệ thống LASER định vị v.v.. phải giống hệt
nhau. Với kỹ thuật xạ trị 3-D CRT, độ dày lát cắt film CT thường được khuyến
cáo là 3 mm - 5 mm. Với khối u vùng đầu cổ và hệ thống thần kinh trung ương
(CNS), độ dày lát cắt mỏng hơn, thường từ 2 mm - 3 mm. Để xác định đầy đủ các
thông số giải phẫu khối u và tái tạo hình ảnh bằng DDR (kỹ thuật số) có chất
lượng cao, các hình ảnh CT Sim cần tập trung tại thể tích khối u và những vùng
liên quan. Khi sử dụng những mốc đánh dấu tại phía trước và hai bên cần lưu ý
sao cho những điểm này phải được thể hiện trên dụng cụ cố định hoặc trên cơ thể
bệnh nhân.
Nếu việc định vị khối u dựa vào các phim chụp CT từ hình ảnh thăm dò
hoặc dự tính sẽ tạo những điểm thẳng hàng, những thông tin tham khảo để sau đó
điều chỉnh tư thế bệnh nhân. Do đó, cần phải tái tạo cặp hình ảnh trực giao bằng
cách sử dụng phần mềm chuyên dụng DRR sau đó so sánh với những phim chụp
bằng những phương tiện khác, chẳng hạn từ simulator truyền thống hoặc từ port
film để định vị chính xác vị trí tâm u.
Trong trường hợp mà các thiết bị định vị này lại thuộc khoa chẩn đoán hình
ảnh thì cơ sở xạ xị phải được trang bị hệ thống mạng để truyền các thông tin đó
về phòng lập kế hoạch. Có nhiều cách truyền thông tin CT từ khoa chẩn đoán
hình ảnh, tuy nhiên điều quan trọng là nếu những phim này do kỹ thuật viên khoa
chẩn đoán hình ảnh thực hiện thì trong quá trình scan phim cần phải có một nhân
viên của bộ phận lập kế hoạch xạ trị tham gia ở đó để yêu cầu về những gì cần sử
dụng cho hệ thống PTS.
Mặt bàn của máy CT Scanner phải phẳng và vững chắc, phải tương thích với
mặt bàn máy điều trị. Hệ thống các đèn LASER dọc và ngang, LASER định vị
tâm khối u tại buồng CT Sim phải hoàn toàn đồng nhất với bên máy điều trị. Điều
này hết sức quan trọng cho việc xác định và đảm bảo được độ chính xác tư thế
bệnh nhân từ khâu chụp CT lập kế hoạch, định vị tâm u đến bước cuối cùng là
trên máy điều trị.
128