Page 69 - Giao trinh- Chăm sóc chuyển dạ
P. 69
BÀI 3
CHĂM SÓC GIẢM ĐAU TRONG ĐẺ
CÓ DÙNG THUỐC CHO ĐẺ ĐƯỜNG ÂM ĐẠO
Thời gian: 4 tiết
MỤC TIÊU
Kiến thức
1. Trình bày được chỉ định, chống chỉ định của biện pháp gây tê ngoài màng cứng
và gây tê tủy sống.
2. Trình bày những nội dung cần tư vấn cho người nhà và sản phụ lựa chọn
phương pháp giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống.
3. Trình bày được theo dõi các yếu tố chuyển dạ và chăm sóc thai phụ có giảm đau
bằng thuốc.
Kỹ năng:
4. Tư vấn được cho người nhà sản phụ lựa chọn các phương pháp giảm đau hợp lý
trong sinh đẻ trên tình huống giả định.
5. Lập và thực hiện chăm sóc hộ sinh phù hợp với những bà mẹ đẻ đường âm đạo
có sử dụng giảm đau bằng thuốc trên tình huống giả định.
NỘI DUNG
1. Khái niệm đẻ không đau có dùng thuốc
- Mỗi sản phụ có ngưỡng chịu đau khác nhau và phản ứng với các cơn đau cũng rất
khác nhau. Có người muốn được trải nghiệm và thử sức của mình nên họ sẵn sàng đương
đầu với các cơn đau trong chuyển dạ (Nhất là những người đã được tham gia các lớp tập
huấn trước sinh), nhưng cũng có người rất sợ đau. Xã hội càng phát triển, nhu cầu đẻ
không đau ngày càng được đặt ra cho những người chăm sóc sản khoa và đây cũng là nhu
cầu chính đáng của sản phụ cũng như người thân trong gia đình của họ. Tuy nhiên với
sản phụ và người thân của họ đều phải có kiến thức và từ đó có những lựa chọn phù hợp
với điều kiện sức khỏe, cũng như những chỉ định sản khoa cho phép.
- Có một số phương pháp giảm đau trong chuyển dạ
Thuốc giảm đau có tác dụng toàn thân: Pethidine, Morphin tiêm vừa có tác
dụng giảm đau, vừa có tác dụng làm mềm cổ tử cung trong chuyển dạ.
Gây tê vùng bằng cách gây tê thần kinh thẹn: Sử dụng chủ yếu trong giai đoạn
II của chuyển dạ, các trường hợp đẻ khó có can thiệp các thủ thuật sản khoa như
Forceps, Ventouse. Ngày nay ít áp dụng.
Gây tê vùng bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Gây tê ngoài màng
cứng là đặt một catheter vào khoang ngoài màng cứng để đưa thuốc tê vào. Dựa
trên nguyên lý đau trong chuyển dạ để các thày thuốc lựa chọn thời điểm đưa
thuốc vào, vị trí chọc kim đưa catheter vào khoang ngoài màng cứng để dẫn
thuốc vào cơ thể.
68