Page 24 - Giáo trình môn học Cấu tạo cơ thể
P. 24
- Thời kì phôi vị hóa (hình thành mầm cơ quan): hình thành 3 lá phôi là
ngoại bì, trung bì và nội bì.
Ở thời kì này các tế bào lá nuôi tiếp tục bành trướng trong nội mạc tử
cung, các tế bào trung bì từ lá trên và mô nội mạc xung quanh cùng tham gia
tạo nhau thai. Nhau thai là một cơ quan mang tính sống còn, trung chuyển
trao đổi chất dinh dưỡng, các khí, chất thải nitrogen giữa phôi và mẹ. Nhau
thai còn tiết các hormon và bảo vệ phôi khỏi các phản ứng miễn dịch của mẹ.
1.1.2. Thời kỳ tạo hình các cơ quan - Tương lai của các lá phôi
Sau thời kỳ hình thành mầm cơ quan là thời kỳ tạo hình các cơ quan.
Quá trình này diễn ra sự tương tác mật thiết của cả 3 lá phôi. Ba lá phôi sẽ
phát triển, phân hóa thành các bộ phận của cơ thể:
- Từ ngoại bì sẽ phát triển thành biểu bì của da và các dẫn xuất (kể cả
tuyến mồ hôi, nang lông), biểu mô lót miệng và hậu môn, giác mạc và thủy
tinh thể mắt, hệ thống thần kinh, các thụ thể cảm giác ở biểu bì, men răng,
biểu mô tuyến tùng và tuyến yên.
- Từ trung bì sẽ phát triển thành các hệ thống cơ (cơ vân, cơ trơn, cơ tim),
hệ thống khung xương, hệ tiết niệu, hệ tuần hoàn và bạch huyết, hệ sinh dục (trừ
các tế bào sinh dục), lớp trung bì của da, lớp lót xoang cơ thể và vỏ thượng thận.
- Nội bì phát triển tạo thành biểu mô lót đường tiêu hóa, biểu mô lót hệ
thống hô hấp, lớp lót niệu đạo, biểu mô bọc lót bàng quang và hệ sinh dục,
gan, tụy, các tuyến giáp và cận giáp.
1.2. Giai đoạn phát triển hậu phôi
Giai đoạn phát triển hậu phôi ở người được kể từ thời điểm đứa trẻ được
sinh ra cho đến khi kết thúc cuộc sống một cách tự nhiên và cũng trải qua ba
thời kì: sinh trưởng, trưởng thành, già và chết.
1.2.1. Thời kì sinh trưởng
* Định nghĩa: Thời kỳ sinh trưởng là thời kỳ mà con đã tách rời khỏi cơ
thể mẹ, dựa vào sự tự hoạt động của bản thân để liên tục sinh trưởng, phát
triển, để tăng tiến về khối lượng, kích thước, chuẩn bị cơ sở vật chất cho giai
đoạn thành niên tiếp đó.
20