Page 7 - Giáo trình điều dưỡng cơ sở - HPET
P. 7
tính chuyên khoa hóa ngày càng cao đã làm cho điều dưỡng trở thành một ngành đa
khoa có nhiều chuyên khoa như: điều dưỡng nhi, điều dưỡng phòng mổ, điều dưỡng
cộng đồng, điều dưỡng tâm thần và nhiều nước đào tạo hộ sinh là một chuyên khoa
của điều dưỡng.
2. Định nghĩa về Điều dưỡng
2.1. Định nghĩa của Florence Nightingale (năm 1860)
Florence Nightingale cho rằng: “Điều dưỡng là hành vi sử dụng môi trường
của người bệnh để hỗ trợ sự hồi phục của họ”. Định nghĩa này phản ánh mối quan
tâm của thời đại mà bà ta đang sống. Bà đặt vai trò trọng tâm của người điều dưỡng
là giải quyết các yếu tố môi trường xung quanh người bệnh để người bệnh được hồi
phục một cách tự nhiên. Bà đã xây dựng chương trình đào tạo và mở trường điều
dưỡng đầu tiên trên thế giới tại bệnh viện Thomas Anh quốc và từ đó đặt nền tảng
cho đào tạo điều dưỡng sau này.
2.2. Định nghĩa của Hội Điều dưỡng Hoa Kỳ (năm 2010)
Điều dưỡng là một nghề bảo vệ, nâng cao, tối ưu hóa sức khỏe và các khả
năng, phòng các bệnh và thương tổn, xoa dịu nỗi đau thông qua việc chẩn đoán và
điều trị đáp ứng của con người, tăng cường chăm sóc cá nhân, gia đình, cộng đồng
và xã hội.
2.3. Định nghĩa của Hội Điều dưỡng Quốc tế (ICN) (năm 2002)
Điều dưỡng là người tự chủ trong chăm sóc và hợp tác với các cá nhân ở mọi
lứa tuổi, gia đình, nhóm người và cộng đồng bị bệnh hoặc khoẻ mạnh ở mọi nơi.
Điều dưỡng bao gồm tăng cường sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc người
bệnh, tàn tật và người hấp hối. Vận động, thúc đẩy môi trường làm việc an toàn,
nghiên cứu, tham gia vào việc thiết lập chính sách y tế và quản lý hệ thống y tế và
người bệnh, và giáo dục cũng là những vai trò quan trọng của điều dưỡng (ICN,
2002).
2.4 Định nghĩa của Hội Điều dưỡng Việt Nam
Điều dưỡng là một nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có chức năng chủ
động và phối hợp trong chăm sóc. Điều dưỡng bao gồm những hoạt động phục hồi
và duy trì sức khỏe, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho cá nhân, gia đình và
cộng đồng.
2