Page 84 - Giáo trình môn học Ký sinh trùng
P. 84
Bài 4: SÁN LÁ, SÁN DÂY
Mục tiêu học tập:
1. Mô tả đặc điểm hình thể của sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột, sán dây.
2. Trình bày chu kỳ phát triển của sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột, sán dây.
3. Nêu đặc điểm dịch tễ học và tác hại của sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột, sán
dây.
4. Trình bày các phương pháp chẩn đoán bệnh sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột,
sán dây.
5. Phân tích các biện pháp phòng chống bệnh sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột,
sán dây.
1. SÁN LÁ GAN NHỎ (Clonorchis/Opisthorchis)
Sán lá gan nhỏ gây bệnh ở người bao gồm 10 loài, thuộc 2 họ sán lá
Opisthorchiidae và Dicrocoeliidae ký sinh ở ống mật và túi mật của gan, bất
thường có thể ký sinh ở ống tụy. Trong đó chủ yếu là Clonorchis sinensis,
Opisthorchis felineus và Opisthorchis viverrini.
Tại Việt Nam đã xác định sự lưu hành của 3 loài sán lá gan nhỏ thuộc 2 họ.
Đó là Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini thuộc họ Opisthorchiidae;
Dicrocoelium dendriticum thuộc họ Dicrocoeliidae.
Trong bài này, chỉ giới thiệu 2 loài là Clonorchis sinensis và Opisthorchis
viverrini, chúng có chu kỳ phát triển, vị trí ký sinh và tính chất gây bệnh hoàn
toàn giống nhau nhưng chỉ khác nhau ít nhiều về cấu tạo, trong đó rõ nét nhất là
cấu tạo của tinh hoàn. Loài sán ở miền Bắc là Clonorchis sinensis và miền Nam
là Opisthorchis viverrini. Cả hai loài này đã được xác định bằng hình thái học và
thẩm định bằng sinh học phân tử và đã nhập ngân hàng gen thế giới.
81