Page 20 - Giáo trình môn học Ký sinh trùng
P. 20
trùng cũng có thể bao gồm cả miễn dịch chủ động và thụ động, miễn dịch dịch
thể và miễn dịch qua trung gian tế bào, hiện tượng tiền miễn nhiễm
(preimunition), miễn dịch dung nạp (tolerance), nhiễm trùng cơ hội.
- Phản ứng tự vệ của ký sinh trùng trước hiện tượng miễn dịch của cơ
thể: Đấu tranh sinh tồn là bản năng của sinh vật, trước hàng rào miễn dịch của
vật chủ, ký sinh trùng phản ứng lại bằng nhiều cách:
+ Co cụm, ẩn trong tế bào vật chủ (Toxoplasma gondii,... ).
+ Trung hoà, ức chế miễn dịch của vật chủ (Leishmania,
Candida,...).
+ Thay đổi kháng nguyên bề mặt nhưTrypanosoma, ký sinh trùng
sốt rét.
+ Bắt chước kháng nguyên của vật chủ như Schistosoma,
Trypanosoma.
7. TÁC HẠI CỦA KÝ SINH TRÙNG VÀ BỆNH KÝ SINH TRÙNG
7.1. Các yếu tố ảnh hưởng tới hiện tượng ký sinh và bệnh ký sinh trùng
- Loại ký sinh trùng: to nhỏ, vị trí ký sinh, phương thức ký sinh, sinh chất
chúng chiếm, chất tiết và chất thải của chúng trong quá trình ký sinh, tuổi thọ...
- Số lượng ký sinh trùng ký sinh: có ảnh hưởng tới sinh chất của vật chủ
và gây biến chứng (nhất là ký sinh trùng lớn, số lượng ký sinh nhiều).
- Tính di chuyển của ký sinh trùng: có thể gây các biến chứng hoặc lan
toả bệnh.
- Phản ứng của vật chủ chống lại hiện tượng ký sinh: tác hại của sự ký
sinh nhiều ít một phần phụ thuộc vào phản ứng của vật chủ.
7.2. Tác hại của ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng
7.2.1. Tác hại về dinh dưỡng, sinh chất
Sinh vật sống ký sinh đồng nghĩa với vật chủ bị mất sinh chất. Mức độ
mất sinh chất của vật chủ tuỳ thuộc vào:
- Kích thước, độ lớn của ký sinh trùng.
- Số lượng ký sinh trùng ký sinh.
- Loại sinh chất, thức ăn mà ký sinh trùng chiếm.
17