Page 67 - Tâm lý trị liệu
P. 67
Người bệnh thường kể rất nhiều những vấn đề của họ (ví dụ bệnh nhân
phàn nàn rằng họ mất ngủ, đau đầu, căng thẳng thần kinh, mất khả năng tập
trung chú ý…), nhưng nhà trị liệu cần phải thu hẹp phạm vi và chỉ tập trung
vào 1–2 vấn đề của người bệnh. Tại sao vậy?
Bởi vì thường người bệnh dễ tập trung vào một vấn đề và thực hiện
một nhiệm vụ cũng dễ hơn. Nếu trị liệu cho một vấn đề có chuyển biến tốt,
người bệnh sẽ tin tưởng mà theo đuổi chương trình điều trị. Hơn nữa, các
vấn đề rối nhiễu thường liên quan với nhau, tập trung làm giảm một số rối
nhiễu có thể dẫn đến giảm các rối nhiễu khác.
Nhà trị liệu cần giúp người bệnh xác định những hành vi nào cần loại
bỏ, hành vi nào cần tăng cường. Những hành vi cần tăng cường là những
hành vi lẽ ra họ phải có, nhưng vì những lý do nào đó, những hành vi này bị
ngăn cản. Những hành vi cần loại bỏ là những hành vi không thích nghi.
Thường thì mọi người hay áp dụng chiến lược trừng phạt để làm giảm
những hành vi không thích nghi và chiến lược khen thưởng để củng cố hành
vi thích nghi, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Thông thường
việc tăng cường hành vi thích nghi là phần đặc biệt quan trọng của chương
trình trị liệu (những chương trình trị liệu tốt là phải cung cấp huấn luyện
những kinh nghiệm, kỹ năng mới) vì sự tăng này mà hành vi kém thích nghi
tự giảm đi.
d. Xác định những điều kiện cần điều chỉnh
Ngược với những gì người ta thường nghĩ, trị liệu hành vi không trực
tiếp thay đổi triệu chứng hoặc hành vi không thích nghi. Trị liệu hành vi về bản
chất là quá trình nhận diện và thay đổi những điều kiện đang duy trì hành vi
không thích nghi. Đó là loại bỏ các tác nhân kích thích (A) và thay đổi hậu quả
(C) của hành vi không thích nghi (B). Một số những điều kiện duy trì hành vi
không thích nghi nhưng không thể thay đổi được, vì vậy không nên được
chọn là điều kiện cần thay đổi, điều chỉnh. Ví dụ, một đứa trẻ mắc chứng trầm
cảm, lo âu do điều kiện gia đình bố mẹ ly dị… đây là điều kiện không thể thay
đổi được.