Page 68 - Tâm lý trị liệu
P. 68
f. Trị liệu khởi đầu
Cần thiết lập những số liệu ban đầu (baseline) về một hành vi không
thích nghi (ví dụ, người bệnh kêu đau đầu, thỉnh thoảng chóng mặt choáng
ngất, thì tuần đầu tiên trước khi trị liệu chính thức phải đánh giá được: đau
đầu thế nào, đau bao lần trong một ngày, vào thời điểm nào, đau bao lâu,
trạng thái ngất thế nào…).
Công việc tiếp theo là chọn lựa, phối hợp một nhóm liệu pháp thích hợp
cho người bệnh, dự kiến chương trình trị liệu sẽ gồm những nội dung huấn
luyện nào…Sau tuần trị liệu đầu tiên cần thu thập thông tin, đánh giá sơ bộ
kết quả để xác định những liệu pháp thích hợp hướng ưu tiên cho trĩ liệu. Gia
đình người bệnh cũng cần được lôi kéo tham gia vào quá trình trị liệu (theo
dõi, đánh giá,thông tin phản hồi).
g. Xác định hướng ưu tiên cho trị liệu
Khẳng định những liệu pháp thích hợp, thiết lập mối quan hệ đồng cảm
tin cậy, chia xẻ hiểu biết với người bệnh. Xác định những công việc cụ thể sẽ
được làm trong từng buổi trị liệu rồi những yêu cầu người bệnh phải thực hiện
sau buổi trị liệu. Tiếp tục đánh giá sự tiến bộ, điều chỉnh kịp thời những sai
sót.
h. Đánh giá kết quả, kết thúc trị liệu
Đánh giá kết quả trước khi kết thúc chương trình trị liệu là điều bắt buộc
đối với nhà trị liệu. Chuẩn bị cho người bệnh, gia đình họ tâm thế và những kỹ
năng cần thiết để có thể tiếp tục tự trị liệu mà không cần sự có mặt của nhà trị
liệu.
Kết quả điều trị chỉ thực sự có ý nghĩa khi những thay đổi hành vi phải
được duy trì và phải diễn ra trong đời sống hàng ngày của người bệnh. Hơn
thế nữa, người bệnh phải có khả năng ứng phó với những biên thể của rối
nhiễu trong tương lai.
Nhà trị liệu cần phải viết một báo cáo về kết quả trị liệu và kế hoạch
theo dõi tiếp tục sau trị liệu.