Page 56 - Giáo trình môn học Nguyên lý tạo ảnh
P. 56
Hounsfield, độ mở của cửa sổ là 100 đơn vị Hounsfield, ta có thể thấy rõ hình các
não thất với dịch não tuỷ và hình của các chất xám, chất trắng của não, hình của khối
u, khối máu tụ, khối áp xe... với đậm độ rất khác nhau. Nếu ta muốn tìm vỡ, gãy
xương ở sọ thì ta phải chọn điểm giữa của cửa sổ là 240 đơn vị Hounsfield và độ mở
của cửa sổ là 2.000 đơn vị Hounsfield.
1.5. Ưu và khuyết điểm của chụp CLVT
Một ưu điểm lớn nhất của chụp cắt lớp vi tính là có thể dùng để khảo sát bất kỳ
các bộ phận nào của cơ thể. Nó cho hình ảnh rõ ràng của xương. Phương pháp chụp
cộng hưởng từ, kí hiệu MRI (magnetic resonance imaging) không tỏ ra hữu hiệu
trong trường hợp này. Hình ảnh CT cho chất lượng rất tốt. Vì vậy, hiện nay người ta
kết hợp CT với phương pháp PET (dùng để tạo ảnh chức năng) để tạo ra máy quét
PET/CT vừa cho hình ảnh giải phẫu vừa khảo sát được chức năng của các cơ quan.
Nó có thể cho hình ảnh rõ ràng của các mô mềm mà chụp X quang không thể
cho thấy rõ, ví dụ cơ, các tạng, các mạch máu lớn, mô não và các dây thần kinh. Phổ
biến nhất là chụp cắt lớp vi tính sọ não để xác định nguyên nhân của đột quỵ hoặc để
đánh giá chấn thương đầu (sọ não) nghiêm trọng.
Các ứng dụng khác của chụp cắt lớp vi tính bao gồm:
- Để phát hiện những bất thường trong cơ thể, chẳng hạn như khối u, áp xe, bất
thường mạch máu… khi bệnh nhân có các triệu chứng hoặc các xét nghiệm khác nghi
ngờ.
- Để cung cấp cho bác sĩ phẫu thuật hình ảnh rõ ràng của cơ quan trong cơ thể
trước khi tiến hành một số loại phẫu thuật.
- Để xác định vị trí chính xác của khối u trước khi xạ trị.
- Để giúp bác sĩ xác định đúng vị trí sinh thiết (lấy mẫu mô).
Tuy nhiên, CT sử dụng tia X có tác hại xấu đối với sức khoẻ của bệnh nhân.
Chụp cắt lớp vi tính có sử dụng tia X, một loại bức xạ. Phơi nhiễm một lượng lớn bức
xạ có liên quan đến phát triển ung thư hoặc bệnh bạch cầu, thường nhiều năm sau
đó.Liều bức xạ tia X của một lần chụp cắt lớp vi tính nhiều hơn một lần chụp X
quang, nhưng nói chung vẫn là liều khá thấp. Nguy cơ tác hại của liều bức xạ được sử
dụng trong chụp cắt lớp vi tính được cho là rất nhỏ, nhưng không phải hoàn toàn
không có nguy cơ. Vì vậy, ví dụ, phần chụp cơ thể càng nhiều thì liều bức xạ càng
nhiều. Và nếu chụp cắt lớp vi tính lặp lại nhiều lần có thể làm gia tăng tổng liều.
Cũng như bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính càng trẻ thì càng có nhiều nguy cơ phát
triển bệnh ung thư hoặc bệnh bạch cầu.
Rất nhiều nghiên cứu nhằm mục đích ước tính nguy cơ phát triển ung thư hoặc
bệnh bạch cầu sau khi chụp cắt lớp vi tính. Một số được trích dẫn dưới đây. Nói
chung, nguy cơ rất nhỏ. Ví dụ trong nghiên cứu của Pearce và cộng sự trích dẫn dưới
đây, họ kết luận rằng:”10 năm sau khi chụp cho bệnh nhân dưới 10 tuổi, ước tính sẽ
có một trường hợp bị bệnh bạch cầu và một trường hợp bị u não trên 10.000 bệnh
nhân chụp cắt lớp vi tính sọ não”. Trong nhiều trường hợp, lợi ích mà việc chụp cắt
lớp vi tính mang lại nhiều hơn so với nguy cơ. Tuy nhiên, cùng nghiên cứu trên đã
kết luận: ”Mặc dù lợi ích lâm sàng lớn hơn những nguy cơ nhỏ, liều bức xạ trong
chụp cắt lớp vi tính phải được giữ ở mức thấp nhất có thể được (as low as possible)
và các phương tiện khảo sát khác không dùng bức xạ ion hoá nên được xem xét để sử
dụng thay thế nếu thích hợp”.
56