Page 46 - Bào chế
P. 46
CHƯƠNG 3. NHŨ TƯƠNG THUỐC
MỤC TIÊU HỌC TẬP:
1. Trình bày được khái niệm, ưu-nhược điểm, phân loại, thành phần của nhũ tương
thuốc.
2. Trình bày được các chất nhũ hóa thường dùng và ứng dụng của chúng.
3. Trình bày được nguyên tắc tiến hành của các phương pháp bào chế và các yêu cầu
chất lượng nhũ tương thuốc.
4. Phân tích được một số công thức nhũ tương thuốc.
NỘI DUNG
1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Định nghĩa
Nhũ tương thuốc là dạng thuốc lỏng hoặc mềm để uống, tiêm hoặc dùng ngoài,
được điều chế bằng cách sử dụng các chất nhũ hoá để trộn đều hai chất lỏng không
đồng tan được gọi theo quy ước là:
Dầu (bao gồm các dầu, mỡ, sáp, tinh dầu, chất nhựa và những dược chất không
tan trong nước) và Nước (bao gồm nước cất, nước thơm, nước sắc, nước hãm hoặc các
dung dịch nước của các dược chất,...).
Trong nhũ tương thuốc, một trong hai chất lỏng là pha phân tán hoặc pha nội, ở
dạng tiểu phân có đường kính từ 0,1µm trở lên, phân tán đều trong chất lỏng kia gọi là
môi trường phân tán hoặc pha ngoại.
Hình 3.1. Nhũ tương
1.2. Hệ phân tán
Hệ phân tán là một hệ trong đó một hay nhiều chất được phân tán vào một chất
khác.
Phân tán là từ dùng để chỉ kỹ thuật bào chế khi trộn lẫn 2 pha không đồng tan
với nhau (khác sự hoà tan).
Hệ phân tán gồm pha phân tán (tướng phân tán, pha nội) và môi trường phân tán
(pha ngoại)
Phân loại hệ phân tán theo kích thước pha phân tán:
43