Page 168 - Bào chế
P. 168
CHƯƠNG 11. THUỐC BỘT VÀ THUỐC CỐM
THUỐC BỘT
MỤC TIÊU HỌC TẬP :
1. Trình bày được định nghĩa, phân loại ,thành phần, ưu-nhược điểm và các yêu cầu
chất lượng của thuốc bột.
2. Trình bày được kỹ thuật bào chế bột thuốc và kỹ thuật bào chế thuốc bột.
3. Phân tích được một số công thức thuốc bột.
NỘI DUNG
1. ĐẠI CƯƠNG
1.1. Định nghĩa
Thuốc bột là dạng thuốc rắn, gồm các hạt nhỏ, khô tơi, có độ mịn xác định, có
chứa một hay nhiều loại dược chất. Ngoài dược chất, thuốc bột còn có thể thêm các tá
dược như tá dược độn, tá dược hút, tá dược màu, tá dược điều hương, vị ...
Thuốc bột có thể dùng để uống, để pha tiêm hay để dùng ngoài.
Như vậy cấu trúc cơ bản của thuốc bột là tiểu phân dược chất rắn đã được phân
chia đến kích thước xác định (tức là bột thuốc). Trong thuốc bột kép, ngoài tiểu phân
dược chất rắn, có thể có các dược chất lỏng hay mềm nhưng không được vượt quá tỷ
lệ cho phép gây ảnh hưởng đến thể chất khô tơi của thuốc bột.
Trong y học cổ truyền, thuốc bột được gọi là “thuốc tán”.
Thuốc bột là một trong những dạng thuốc được dùng sớm nhất trong bào chế.
Nhưng gần đây do sự ra đời của nhiều dạng thuốc mới đi từ thuốc bột như viên nén,
nang cứng.. nên việc sử dụng thuốc bột đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, về thực chất,
cấu trúc của dạng thuốc rắn (như viên nén, nang thuốc…) được đi từ tiểu phân dược
chất rắn. Do đó hiện nay người ta nghiên cứu khá nhiều về bột thuốc để nâng cao SKD
của dạng thuốc rắn.
1.2. Phân loại
Có nhiều cách phân loại thuốc bột
1.2.1. Dựa vào thành phần
Người ta chia thành 2 loại: Thuốc bột đơn và thuốc bột kép.
1.2.1.1. Thuốc bột đơn
Trong thành phần chỉ có một dược chất.
Ví dụ: Thuốc bột NATRI HYDROCARBONAT
Thành phần: Natri hydrocarbonat
Hàm lượng thường dùng: 5g, 10g, 20g, 50g, 100g
1.2.1.2. Thuốc bột kép
Trong thành phần có từ hai dược chất trở lên.
165