Page 54 - Giao trinh- Chăm sóc chuyển dạ
P. 54
2. Khái niệm về đau và giảm đau trong chuyển dạ
Trong chuyển dạ, đau được cảm nhận trên đoạn thần kinh từ các đoạn tủy sống và
nó nhận tín hiệu từ tử cung, cổ tử cung, các tạng trong tiểu khung và tầng sinh môn. Khi
không có sự can thiệp điều trị, các kích thích này gây sự nhạy cảm, kích hoạt các đoạn kế
cận, lan tỏa vùng đau.
Theo định nghĩa của hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế - IASP (International
Association for the Study of Pain). “Đau là một cảm giác khó chịu và trải nghiệm cảm
xúc xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương thực sự hay tiềm tàng của các mô, hoặc được
mô tả theo kiểu giống như thế”.
Đau là một cảm giác báo hiệu một tổn thương thực thể nhưng cũng mang tính chủ
quan tâm lý, bao gồm cả những chứng đau tưởng tượng, đau không có căn nguyên hay
gặp trên lâm sàng.
Như vậy đau trong chuyển dạ phản ánh sự tương tác giữa 2 thành phần: “ Độ mạnh
- Phân biệt” và “Tình cảm – Nhận thức”. Mặc dù hầu hết các sản phụ cho rằng đau trong
chuyển dạ là dữ dội, nhưng định nghĩa mô tả cơn đau phản ánh cảm xúc nhiều hơn.
Đau trong chuyển dạ không có mục đích hữu dụng nào cả, sản phụ không muốn và
cũng không nhất thiết phải trải qua trải nghiệm này. Tuy nhiên nhiều thai phụ tin rằng
nếu có trải nghiệm này sẽ làm tăng khả năng sinh đẻ. Một số khác sợ rằng nếu sử dụng
giảm đau trong đẻ sẽ làm tăng nguy cơ can thiệp và làm chậm quá trình chuyển dạ.
Trên thực tế điều này tùy thuộc quan niệm của từng người, từng quốc gia và trên cơ
sở nền tảng có sẵn các dịch vụ giảm đau, việc lựa chọn các dịch vụ giảm đau hay không,
lựa chọn phương thức nào là tùy thuộc từng sản phụ. Tùy thuộc vào kinh nghiệm của họ,
kiến thức của họ trên thực tế cũng như qua các lớp trước sinh. Tuy nhiên trên nền tảng
chăm sóc hộ sinh, chuyển dạ không đau sẽ không cần thiết bằng việc làm giảm sự đau;
làm việc với nỗi đau của sản phụ hơn là làm giảm nó.
3. Cơ chế đau trong chuyển dạ và những yếu tố ảnh hưởng đến cảm giác đau
Chuyển dạ là quá trình sinh lý có rất nhiều hoạt động diễn ra dẫn đến một loạt các
thay đổi về sinh lý của người phụ nữ và thai. Trong đó quan trọng nhất phải nhắc đến là
cơn co tử cung. Bình thường thai nghén trong 3 tháng cuối có những cơn Braston Hick,
cơn co này có tác dụng bình chỉnh ngôi thai và thành lập đoạn dưới ở những người con
so. Tuy nhiên những cơn co này có cường độ dưới ngưỡng đau của thai phụ. Ở giai đoạn
cuối, các cơn co này ngày một tăng về cường độ và tần số gây ra chuyển dạ để đẩy thai
và rau thai ra ngoài.
Có nhiều giả thuyết về cơ chế chuyển dạ và những cơn co tử cung trong chuyển dạ.
Tuy nhiên có giả thuyết cho rằng ở giai đoạn cuối của thai kì, khi nội tiết tố bánh rau
giảm gây kích thích tăng tiết oxytocin nội sinh gây cơn co tử cung gây chuyển dạ
Mặt khác khi kích thước khối thai lớn gây ra những thay đổi sinh lý gây tăng tiết
Prostaglandin nội sinh gây kích thích cơn co tử cung gây cơn đau và là nguyên nhân gây
chuyển dạ.
Cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ. Cơn co tử cung làm căng giãn, xóa
mở cổ tử cung. Cơn co tử cung đẩy ngôi thai hướng vào ống đẻ trong giai đoạn đầu và
dần đẩy thai nhi ra ngoài theo có chế đẻ ở giai đoạn II của cuộc chuyển dạ.
53