Page 207 - Sự hình thành bệnh tật và sự phục hồi
P. 207
Bài 10.
QUÁ TRÌNH VIÊM VÀ SỰ PHỤC HỒI
(Số tiết: 02)
MỤC TIÊU HỌC TẬP
1. Giải thích được cơ chế, diễn biến của quá trình viêm
2. Nêu được nguyên tắc xử trí viêm
1. Đại cương
1.1. Khái niệm về viêm
Viêm là quá trình bệnh lý rất phổ biến, bất cứ cơ quan và mô nào cũng
có thể bị viêm. Viêm ở nông như da, niêm mạc; sâu hơn như viêm cơ, xương
khớp; sâu hơn nữa như viêm các tạng.
Từ cách đây hơn 2000 năm, các dấu hiệu của viêm đã được Celcius lần
đầu tiên tổng kết bằng các từ: tumor, calor, rubor, dolor (sưng, nóng, đỏ, đau).
Sau này, Galen mô tả thêm các rối loạn về mặt chức năng do viêm. Giai đoạn
này người ta cho rằng viêm là đáp ứng có hại cho cơ thể.
Đến thế kỷ XIX, với sự xuất hiện của kính hiển vi, Metchnikov đã quan
sát thấy sự di chuyển của các tế bào máu đến nơi xảy ra ổ viêm, quá trình thực
bào các yếu tố gây viêm của bạch cầu. Như vậy, viêm cũng là phản ứng bảo
vệ cơ thể.
Ngày nay, người ta cho rằng viêm là biểu hiện cục bộ của một phản
ứng toàn thân. Theo quan điểm sinh lý bệnh học: viêm là một phản ứng mang
tính bảo vệ của cơ thể, có tác dụng loại trừ tác nhân gây bệnh, tăng sinh tế bào
sửa chữa tổn thương nhằm đưa cơ thể trở lại tình trạng trước khi bị tổn thương
để duy trì sự ổn định nội môi; bên cạnh đó, viêm cũng là một phản ứng bệnh
lý do quá trình viêm gây ra tổn thương, hoại tử và rối loạn chức năng cơ
quan...
207