Page 114 - Hóa phân tích
P. 114
trình rửa giải và dung môi dùng phân đoạn được gọi là dung môi rửa giải, dịch
hứng được ở cuối cột gọi là dịch rửa giải.
- Phát hiện các chất: các chất màu có thể phát hiện dễ dàng, các chất không màu
có thể phát hiện bằng đèn UV hay bằng các thuốc thử. Trong sắc ký rửa giải có thể
phát hiện các chất khi chúng đi ra khỏi cột bằng cách cho dung dịch rửa giải đi qua
một bộ phận phát hiện gọi là detector đặt sau cột.
3.2.2. Phân loại phương pháp sắc ký
- Theo bản chất vật lý các pha: Pha động có thể là chất lỏng hay khí, pha tĩnh có
thể là một chất rắn (hạt xốp hay bột mịn) hay một chất lỏng (được giữ trên một
chất rắn). Do đó theo bản chất vật lý của các pha, người ta phân biệt được các
phương pháp:
+ Sắc ký lỏng – lỏng + Sắc ký khí - lỏng
+ Sắc ký lỏng - rắn + Sắc ký khí - rắn
- Theo bản chất hiện tượng sắc ký:
+ Sắc ký hấp phụ: pha tĩnh là chất rắn có khả năng hấp phụ.
+ Sắc ký phân bố: pha tĩnh là chất lỏng không hoà tan được với pha động, chất
lỏng này được bao trên bề mặt một chất rắn gọi là giá hay chất mang (trơ không
tham gia vào quá trình sắc ký). Sắc ký phân bố bao gồm sắc ký lỏng - lỏng và sắc
ký khí - lỏng.
+ Sắc ký trao đổi ion: pha tĩnh là chất nhựa trao đổi ion (hợp chất cao phân tử
có mang những ion có khả năng trao đổi với các ion cùng dấu của dung dịch hỗn
hợp sắc ký)
+ Sắc ký theo loại cỡ
- Theo kỹ thuật và phương tiện sắc ký:
+ Sắc ký trên cột: pha tĩnh được chứa trên cột bằng kim loại hay thuỷ tinh.
+ Sắc ký lớp mỏng: pha tĩnh được rải và giữ trên mặt phẳng của bản thuỷ tinh,
nhựa hay nhôm. Lớp mỏng pha tĩnh (silicagel, nhôm oxyd, cenlulose, chất nhựa
trao đổi ion…) thường có chiều dày khoảng 0,2- 0,3 mm
+ Sắc ký giấy: pha tĩnh (lỏng) được thấm trên một tờ giấy lọc loại đặc biệt.
3.3 Sự tách sắc ký và sắc đồ
Xét sự tách hai chất A và B trên cột.
109